TOÀN CẢNH: Tọa đàm trực tuyến về đảm bảo cung- cầu thịt lợn dịp Tết

P.V Thứ ba, ngày 03/12/2019 15:04 PM (GMT+7)
Chiều 14/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn đảm bảo cung – cầu thực phẩm dịp Tết”. Sau đây là toàn cảnh buổi tọa đàm.
Bình luận 0

Tới tham dự buổi tọa đàm “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn đảm bảo cung – cầu thực phẩm dịp Tết” hôm nay, có:

- Ông Lê Văn Thành - Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT 

- Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi;

- Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y;

- Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT;

- Ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang;

- Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên;

Đại diện các doanh nghiệp có: 

- Ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam;

- Ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife).

Cùng với sự tham gia của một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Phần I: Tình hình dịch bệnh và cân đối cung – cầu thịt lợn

Tháng 3/2018 dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Trung Quốc và chỉ trong thời gian rất ngắn dịch đã lây lan ra 28 quốc gia. Có thông tin nói rằng 30% đàn lợn của thế giới bị hủy diệt vì loại dịch này. Tại Trung Quốc, do thiếu nguồn cung thịt lợn, giá thịt lợn đã tăng lên mức kỷ lục, có nơi giá lợn hơi chạm ngưỡng 150.000 đồng/kg.

Còn tại Việt Nam, kể từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 10/11/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên toàn quốc (63/63 tỉnh, thành phố) với tổng số lợn tiêu hủy là 5.851.442 con; tổng trọng lượng là 335.661 tấn, bằng khoảng 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước - đây là một thiệt hại rất lớn. Để chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh này, đến nay chúng ta có 60 văn bản, từ văn bản, chỉ thị của Ban Bí thư cho đến chỉ thị của Thủ tướng, chỉ thị của Chính phủ cho đến 40 văn bản hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của các tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, nhìn chung dịch tả lợn Châu Phi đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển. Nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn thì đến tháng 10/2019 chỉ còn trên 400.000 con. Hiện chúng ta có 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn vòng trở lại. Đây là một tín hiệu vui, trong đó có 9 tỉnh cho đến nay trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch quay trở lại. Trong đó, tỉnh Hưng Yên, tỉnh đầu tiên phát dịch, cho đến nay 100% số xã không còn, không có dịch quay trở lại.

Tuy nhiên, trong những ngày qua giá lợn hơi ở một số địa phương miền Bắc có xu hướng tăng mạnh, đạt mức giá kỷ lục trên 70.000 – 75.000 đồng/kg, cá biệt có nơi cán mốc gần 80.000 đồng/kg.

img

Toàn cảnh buổi Toạ đàm trực tuyến. 

Chia sẻ một vài nét về tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện nay, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: 

- Tính đến hết ngày 13/11/2019, cả nước đã có 8.400 xã có dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước. Bên cạnh những số liệu không vui trên thì tính hiện chúng ta cũng đã có trên 5.000 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới.

img

Cảnh tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) vào cuối tháng 2/2019. Ảnh: Trần Quang.

Cụ thể, đã có 10 tỉnh thành có trên 80% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới và đều là những tỉnh thành quan trọng trong chăn nuôi lợn. Đây chính là điều kiện vô cùng quan trọng, là cơ sở để chúng ta công bố hết dịch. Trong đó Hưng Yên là một trong những tỉnh kiểm soát dịch tốt nhất.

Có được kết quả trên là do thời gian qua, từ Chính phủ tới các bộ ngành đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát gắt gao dịch bệnh. Từ tháng 6 tới nay, dịch bệnh đã giảm mạnh, dự đoán hết tháng 10, số lượng lợn phải tiêu hủy sẽ giảm 50% so với tháng 5.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nói rất rõ trước Quốc hội: Cái chính là tổ chức triển khai ở cơ sở, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toan sinh học. Đặc biệt, tại các địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh thì biện pháp kiểm soát an toàn sinh học lại càng quan trọng. Bên cạnh đó cần kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm lợn giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm lợn sau giết mổ...

img

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). 

Xin hỏi ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc giá lợn hơi có đợt tăng giá kỷ lục trong những ngày vừa qua có phải chúng ta thiếu nguồn cung thịt lợn hay vì nguyên nhân nào khác?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi:

- Đúng là giá lợn hơi tăng nhanh trong mấy ngày qua, nhưng đó là hiện tượng cá biệt, giá chủ yếu vẫn ổn định ở mức 58.000 – 65.000 đồng/kg, trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc nằm trong khoảng 65.000 – 66.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam 60.000 – 61.000 đồng/kg.

Như vậy, nguyên nhân chính không phải do chúng ta thiếu hụt nguồn cung quá lớn mà có vấn đề về lưu thông, thông tin. Việc giá lợn hơi lên đến 75.000 đồng/kg là cá biệt.

Sở dĩ, có hiện tượng như trên là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, còn con nào giá như vàng thì đương nhiên giá tăng; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm.

Tôi nhắc lại, chúng ta không thiếu lợn đến mức khủng hoảng, nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên còn đàn lợn khá lớn.Vấn đề lưu thông, thông tin đã tạo tâm lý, hiệu ứng xã hội không tốt.

Cũng tại Tọa đàm, ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết thêm: 

- Về diễn biến giá lợn hơi, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đồng hành với người dân và các cơ quan chức năng kêu gọi chung tay bình ổn giá. Cụ thể từ ngày 8/8 - 9/10, Công ty C.P bình ổn giá thịt lợn dao động từ 45.000 đồng – 52.000 đồng/kg. Từ ngày 9/10 giá lợn là 59.000 đồng/kg.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng cao, Công ty C.P bình ổn giá thịt lợn dao động từ 65.000 – 66.0000- 67.000 đồng/kg.

Về nguồn cung thịt lợn của Công ty C.P tăng gần 10% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, hiện tại công ty cũng chỉ cung cấp được cho các khách hàng đã có hợp đồng làm ăn với CP.

Còn đối với những khách hàng mới, Công ty CP phục vụ ở mức độ vừa phải, cung cấp ổn định, không bán ồ ạt ra thị trường, tránh tình trạng các thương lái thu gom rồi đẩy giá.

img

Ông Kiều Đình Thép - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam phát biểu. Ảnh: T.Q

img

Ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày là không phát sinh dịch. 

Chia sẻ về kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc khống chế dịch bệnh và tái đàn, ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho hay:

- Bắc Giang hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày là không phát sinh dịch, ngay từ đầu tháng 8 khi có hiện tượng không phát sinh dịch thì ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn. Trong các văn bản hướng dẫn này chúng tôi cũng đã thống kê và công khai các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện tái đàn các sản phẩm vi sinh phù hợp với việc tái đàn theo mô hình an toàn sinh hoạt và tất nhiên không thể thiếu việc hướng dẫn chi tiết các loại hình chăn nuôi an toàn.

Trong quá trình tái đàn, chúng tôi cũng kiểm soát rất gắt gao việc thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh.

Kết quả, hiện Bắc Giang đang có 800.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, trong đó đàn lợn nái là gần 100.000 con, 376 trang trại chăn nuôi an toàn.

Chúng tôi khuyến khích các HTX chăn nuôi quy mô nhỏ tham gia chuỗi HTX, đưa các chủ trang trại chăn nuôi nhỏ vào chuỗi, bổ sung các sản phẩm vi sinh hiệu quả để góp phần thay đổi chất lượng nguồn thịt cũng như đảm bảo việc kiểm soát dịch được tốt hơn.

Ngoài ra, trong tháng 10 tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 10 huyện, thị trong tỉnh, đảm bảo toàn bộ cán bộ thú y cơ sở đều nắm được quy trình tái đàn an toàn và kiểm soát tốt việc ngăn chặn dịch bệnh quay lại.

Một độc giả tên Nguyễn Thị Hồng ở TP. Hồ Chí Minh hỏi: Gia đình chị muốn tái đàn, nhưng địa phương không đồng ý, vậy để tái đàn hộ chăn nuôi cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

img

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, điều kiện để tái đàn là khi địa phương không còn ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết:

-Theo Quyết định 4527 của Bộ NN&PTNT, điều kiện để tái đàn là khi địa phương không còn ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Ban đầu chỉ nên tái đàn 10%, sau 1 tháng xét nghiệm âm tính với virus dịch bệnh thì mới mở rộng quy mô. Việc tái đàn phải đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học.

Cũng phải nói thêm, hiện nay, người chăn nuôi đã có ý thức rất nghiêm túc về chăn nuôi an toàn sinh học, nếu như cách đây 1 năm, chỉ doanh nghiệp lớn làm tốt việc này thì nay, nhiều trang trại, nông hộ đã áp dụng tốt, thu được kết quả khả quan.

Hiện đã có 60% số xã trên địa bàn cả nước không phát sinh ổ dịch mới sau 30 ngày, đủ điều kiện tái đán, chắc chắn nhiều hộ muốn tái đàn, đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn đúng quy định, có kiểm soát, đảm bảo an toàn sinh học.

Phần II: Giải pháp khống chế dịch bệnh, tái đàn lợn gắn với an toàn sinh học

 Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi nước ta, song song với việc phòng chống dịch bệnh, theo khuyến cáo thì người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn đảm bảo cung – cầu thực phẩm vào dịp Tết.

Tại Hưng Yên - tỉnh đầu tiên phát dịch, cho đến nay 100% số xã không còn và không có dịch quay trở lại. Khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi ở Hưng Yên, điều Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ấn tượng là riêng Khoái Châu có khoảng 30 hộ nuôi 3.000-4.000 con lợn/một hộ nhưng không hề bị dịch bệnh, bởi  người ta tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học, từ khâu thức ăn, từ khâu giống, từ người ra vào, tất cả các khâu.

img

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên.

Chia sẻ về công tác chỉ đạo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn tại Hưng Yên, ông Nguyễn Quang Tuấn – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho biết:

- Hưng Yên là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên phát hiện dịch tả châu Phi. Trước thời điểm xuất hiện dịch, tổng đàn lợn của tỉnh là 558.000 con.

Đàn lợn bị tiêu hủy chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹt trong dân. Đến thời điểm này, Hưng Yên có 151 xã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.

UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã có văn bản chỉ đạo về côg tác phòng chống dịch bệnh và tái đàn gia súc gia cầm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo chỉ cho tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học. Tái đàn theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt, chỉ tái đàn khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi.

Sau khi tái đàn được 30 ngày thì thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh thì khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng tăng dần.

Đối với các hộ, trang trại chăn nuôi xen kẹt trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn dịch bệnh thì nên dừng chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh tái dịch trở lại, đồng thời chuyển sang nuôi các con vật khác…

Hiện tổng đàn lợn của Hưng Yên là 420.000 con lợn, trong đó lợn thịt 250.000 con, lợn nái và hậu bị 70.000 – 80.000 con, còn lại là lợn con. Hiện nay ở Hưng Yên đàn lợn ở các trang trại lớn còn rất nhiều.

 Là thị trường có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, trong đó thịt lợn chiếm tỷ trọng cao, Hà Nội làm thế nào để đủ nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu người dân Thủ đô vào dịp cuối năm?

Trả lời câu hỏi này, ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin:

- Hà Nội là thị trường lớn, đúng là mấy ngày gần đây, giá thịt lợn có biến động. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do phương thức sản xuất còn bất cập, người tiêu dùng vẫn tiêu dùng theo cách truyền thống, đi mua chọn người bán chứ không để ý nhiều đến chất lượng. Nếu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì không có sự tư lợi ở các khâu lưu thông.

Đơn cử như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P, Masan, họ sản xuất theo nhu cầu người tiêu dùng, chuỗi sản xuất của họ phủ hết thị trường nên giải quyết triệt để vấn đề bấp bênh giá cả. Nếu sản xuất tốt theo chuỗi sẽ giải quyết tốt vấn đề dịch bệnh, giá cả.

img

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Thực tế, chất lượng của thịt mát rất tốt, đáp ứng nhu cầu đại chúng, những phụ phẩm trong chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến thành thức ăn chăn nuôi, chúng ta cần phát triển những chuỗi giá trị như thế này, hướng đến một ngành chăn nuôi hiện đại. Hiện, Hà Nội đang có chủ trương phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi, từ đó giúp người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Bên cạnh đó, chúng tôi có chủ trương phát triển chợ thương mại điện tử nông sản, doanh nghiệp tham gia tự công bố chất lượng công khai trên gian hàng. Viettel là đơn vị Hà Nội chọn để xây dựng hệ thống chợ điện tử, khi đó người tiêu dùng có thể tham gia mua trên chợ ảo. Hà Nội cũng sẽ tổ chức các gian hàng nông sản sạch, an toàn tại các khu dân cư, không gian công cộng để người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn.

img

Người dân Thủ đô chọn mua 'thịt mát'. Ảnh: Trần Quang.

img

Ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife)

Chia sẻ về nguồn cung và diễn biến giá cả chuỗi thịt lợn MeatDeli trong thời gian qua, ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife) nói:

- Masan là doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ chế biến thịt mát theo tiêu chuẩn của Châu Âu. Chúng tôi mong muốn được cộng tác, đồng hành với người nông dân để cùng thực hiện chuỗi thịt lợn MeatDeli. Về tình hình phân phối từ đầu tháng 3 đến giờ, Masan tổ chức được hơn 400 điểm bán tại các chợ và siêu thị.

Tới đây, Masan sẽ mở thêm các điểm bán tại các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hải Dương… Hiện tại, nguồn đầu vào giá cả tăng, chúng tôi cũng điều chỉnh giá, tuy nhiên mức điều chỉnh rất ít.

Tiếp lời ông Hiền, ông Kiều Đình Thép - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp thêm thông tin:

- Hiện nay Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cung cấp ra thị trường miền Bắc 3.500-4.000 mỗi ngày. Riêng thị trường Hà Nội, chiếm khoảng 20% cơ cấu bán hàng, sản lượng này chúng tôi vẫn phục vụ khách hàng thường xuyên, tương đương gần 300 khách hàng.

Dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng này vì mối quan hệ lâu dài giữa C.P với các khách hàng của mình. Bên cạnh các hệ thống siêu thị, hiện C.P còn có hệ thống PotShop là nơi cung ứng thịt lợn sạch và số lượng thịt C.P cung cấp ra vẫn ổn định, giá cả tuy có biến động nhưng không nhiều và nếu khách hàng lựa chọn mua ở các siêu thị thì có thể hoàn toàn yên tâm là giá sẽ luôn luôn được bình ổn.

Có thông tin cho rằng đã có một số doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt đông lạnh, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT có giải pháp gì để kiểm soát việc này?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi trả lời:

-Trước hết, không có quota nhập khẩu thịt lợn, thịt gia cầm, chúng ta chỉ kiểm định về chất lượng, không có quyền cho nhập hay không. Đúng là nhập khẩu thịt lợn có tăng so với năm ngoái, nhưng không nhiều, nguồn cung thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn do người Việt kiểm soát, tự quyết định.

Tôi khẳng định, nguồn thịt lợn hiện nay không quá thiếu hụt đến mức khủng hoảng, bên cạnh đó, chúng ta còn bổ sung lượng thịt gia cầm, thủy sản khá dồi dào, nên sẽ không có biến động lớn nếu tổ chức tốt.

Dịp cuối năm, chắc chắn giá lợn sẽ tăng cao, đây cũng là xu thế tất yếu vì nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết cao, nhưng tăng quá cao thì không, chúng ta không lo khủng hoảng nếu sản xuất tốt. Nếu không chỉ đạo tốt thì sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên. Hiện nay, dịch đã cơ bản kiểm soát tốt, nên các địa phương nên vận động người dân tái đàn có kiểm soát, đừng né tránh việc tái đàn, nếu đủ điều kiện hãy hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.

Tây Ban Nha đã có 28 năm sống chung với dịch nên đừng mong hết dịch mới tái đàn. Để chủ động nguồn thực phẩm, người tiêu dùng cũng nên chuyển đổi cơ cấu bữa ăn, gà đồi Yên Thế, cá chép, cá trắm rất ngon, hãy chuyển sang dùng thực phẩm này, thay vì chỉ dùng thịt lợn; điều này cũng là một giải pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, với Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin thêm:

- Như chúng ta biết, Việt Nam là thành viên của WTO nên tất cả các quy định về kiểm dịch và xuất khẩu đều phải tuân thủ theo luật quốc tế cũng như luật phát của Việt Nam. Muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào các quốc gia nào chúng ta đều phải xem xét, tìm hiểu rất kỹ các quy định về an toàn thực phẩm của quốc gia đó, xem quy định của họ có phù hợp với tiêu chí của WTO hay không, có đảm bảo yêu cầu và phù hợp với sản phẩm của chúng ta không?...

Khi vào cửa khẩu, ngoài thủ tục hành chính, chúng ta vẫn phải làm nghiêm việc lấy mẫu kiểm dịch, kiểm soát mức độ an toàn cảu thực phẩm. Nếu chúng ta thực hiện không nghiêm thì rất khó tạo niềm tin đối với các nước khác khi họ xuất khẩu thực phẩm vào nước ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem