Hà Nội áp dụng nhiều giải pháp kiềm chế dịch tả lợn châu Phi

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 22/11/2019 10:46 AM (GMT+7)
Sau một thời gian triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), số lợn tiêu hủy ở các địa phương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến nay bệnh dịch nguy hiểm này vẫn diễn biến phức tạp, tái phát ở một số hộ chăn nuôi.
Bình luận 0

img

Người dân chăn nuôi lợn tại nhiều vùng của Hà Nội điều đứng sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đăng Hải

Bà Đặng Thị Tươi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa thông tin, tính đến ngày 5/11, tổng khối lượng lợn tiêu hủy vì DTLCP trên địa bàn huyện là 1.728 tấn; kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị mắc bệnh là hơn 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, do bệnh DTLCP giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8/2019, nhiều xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới, nên một số hộ nuôi đã tái đàn mà không báo cáo chính quyền cơ sở. 

Mặt khác, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tại các xã còn bị động; hộ nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở chăn nuôi, giết mổ của chính quyền địa phương cũng có sự chủ quan, buông lỏng, dẫn đến bệnh DTLCP bùng phát trở lại ở một số nơi từ tháng 9 đến nay...

Nhận định về nguyên nhân khiến cho một số địa phương phát sinh trở lại bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: “Vi rút bệnh DTLCP có thể tồn tại lâu ở môi trường bình thường. Mặt khác, tổng đàn lợn của thành phố lớn, nhưng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao nên việc kiểm soát, xử lý ổ bệnh gặp nhiều khó khăn".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, so với thời điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh nhất (tháng 5 và tháng 6-2019), bình quân mỗi ngày phải tiêu hủy đến 7.000-8.000 con lợn, thì nay chỉ phải tiêu hủy khoảng 200-300 con.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, tính đến nay, thành phố đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho các địa phương hỗ trợ người dân có lợn mắc bệnh và thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Việc tái phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn ít; nhiều địa phương chỉ phát sinh một hộ.

Ông Mỹ cho hay: Hiện, Sở NNPTNT Hà Nội đã và đang tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo, đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như triển khai phòng, chống bệnh dịch tại các địa phương; hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý ổ bệnh tái phát theo quy định; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi nhằm phát hiện và xử lý triệt để ngay từ khi phát sinh.

"Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường hoạt động ở các chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông. Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật", ông Mỹ khẳng định.

Cũng theo ông Mỹ, do việc vừa phòng, chống bệnh dịch, vừa thực hiện sản xuất, phân phối, vận chuyển sạch là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong điều kiện hiện nay, do đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương phải vào cuộc với quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt. 

"Về lâu dài, các ngành chức năng cần nghiên cứu tái cơ cấu lại sản phẩm chăn nuôi, tạo cơ chế hấp dẫn để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm", ông Mỹ nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem