Toàn cầu lên cơn sốt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê Việt Nam tăng cao kỷ lục

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 04/09/2022 06:00 AM (GMT+7)
Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới trong tháng 8/2022 đều tăng lên mức kỷ lục.
Bình luận 0

Giá cà phê cao kỷ lục do lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng lên mức cao kỷ lục, lên mức 49.700 – 50.200 đồng/kg (ngày 25/8/2022), nhưng sau đó có xu hướng giảm trong các ngày 26 – 27/8/2022. 

Mặc dù vậy, so với cuối tháng 7/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa vẫn tăng mạnh. Ngày 27/8/2022, giá cà phê Robusta tăng 4.800 – 4.900 đồng/kg so với ngày 29/7/2022, lên mức 48.300 – 48.900 đồng/kg.

Không chỉ ở thị trường trong nước, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất, giá cà phê thế giới cũng tăng mạnh.

Trên sàn giao dịch London, ngày 29/8/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 và tháng 11/2022 cùng tăng 13,2% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.281 USD/tấn và 2.279 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2023 và tháng 3/2023 tăng lần lượt 13,5% và 13,1% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.260 USD/tấn và 2.231 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 29/8/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 8,8% so với ngày 29/7/2022, lên mức 286,8 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 12/2022 và tháng 3/2023 tăng lần lượt 9,0% và 10,2% so với ngày 29/7/2022, lên mức 284,05 Uscent/lb và 285,7 Uscent/lb. 

Toàn cầu lên cơn sốt do thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê Việt Nam cao kỷ lục - Ảnh 1.

Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới trong tháng 8/2022 đều tăng lên mức kỷ lục. Trong ảnh: Sơ chế cà phê ở xã Nam Yang, Đắk Đoa, Gia Lai. Ảnh: K.N

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.334 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 264 USD/tấn (tương đương mức tăng 12,7%) so với ngày 29/7/2022. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lo ngại nguồn cung thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá cà phê tăng. 

Theo khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021. 

Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023.

 Trong khi đó, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ không đạt mức dự báo 61,1 triệu bao do hệ quả của những đợt sương giá và khô hạn năm ngoái.

Giá cà phê tăng, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 1,1% về trị giá so với tháng 7/2022, so với tháng 8/2021 giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá. 

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê Robusta giảm về lượng, nhưng các chủng loại cà phê khác tăng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, ngoại trừ cà phê Excelsa giảm mạnh. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 98.720 tấn, trị giá 192,4 triệu USD, giảm 9,9% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2021. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,01 triệu tấn, trị giá gần 2 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem