Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 quá chậm, nguy cơ vaccine phải hủy bỏ

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 25/06/2022 06:07 AM (GMT+7)
Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm, khiến còn tồn đọng nhiều vaccine, nguy cơ phải hủy bỏ khi vaccine quá hạn.
Bình luận 0

Trước tình hình tiêm vaccine Covid1-9 của một số địa phương khu vực phía Nam còn chậm, ngày 24/6, Bộ Y tế đã họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Còn 22,2 triệu liều vaccine Covid-19 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine Covid-19 các loại khác nhau. Đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer.

Đến hết ngày 23/6 cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn.

  - Ảnh 1.

Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh BYT

Hiện mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn: Hoàn thành với tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi cơ bản hoàn thành, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%.

Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm. Số liều tiêm mũi 4 mới đạt hơn 2,5 triệu.

Về mục tiêu tiêm cho nhóm 5- dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).

Bộ Y tế cũng cho biết, tiến độ tiêm nhắc mũi 1 và 2 – mũi 3 và 4 chậm tại hầu hết các địa phương  có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine Covid-19 tại tuyến trung ương và một số địa phương, dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Nhiều người chủ quan, từ chối tiêm mũi nhắc lại vaccine Covid-19

Về nguyên nhân tốc độ tiêm vaccine Covid-19 của nhiều tỉnh còn quá chậm, một số tỉnh cho biết việc vận động người dân đi tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3) rất khó khăn.

Đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, đã tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để làm sao tiêm hết vaccine đã được phân bổ, không phải rơi vào tình trạng tồn… nhưng tỷ lệ tiêm rất ít.

Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng qua vận động, tổ chức 5-6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người tiêm mũi 3.

Một số chuyên gia cũng chia sẻ, hiện nay khi dịch Covid-19 đã lắng xuống, người dân chủ quan với dịch bệnh, cho rằng Covid-19 không còn nguy hiểm nên không tiêm. 

Một số người đã mắc Covid-19 cũng từ chối tiêm mũi nhắc lại vì cho rằng mình đã có miễn dịch bảo vệ. Một số người khác lại lo lắng về tác dụng phụ của vaccine Covid-19 nên không đi tiêm mũi 3 nữa... 

 "Có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vaccine Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo"- Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ. 

Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 quá chậm, nguy cơ vaccine phải hủy bỏ - Ảnh 2.

Hiện còn hơn 22 triệu liều vaccine Covid-19 cần được tiêm (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Phải hoàn thành việc tiêm các lô vaccine Covid-19 đã được phân bổ trước ngày 30/6

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, dù dịch đã được kiểm soát tuy nhiên chúng ta vẫn không thể chủ quan, lơ là. 
"Dịch vẫn có diễn biến khó lường, có nguy cơ quay trở lại tăng số mắc. Do đó, chúng ta phải duy trì việc tiêm vaccine Covid-19 để bảo vệ thành quả đã có. Các tỉnh cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh phía Nam, khi tốc độ tiêm vaccine còn quá chậm", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh. 

Theo thứ trưởng Tuyên, Bộ Y tế nhiều lần đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhưng nhiều tỉnh, TP vẫn tiêm chậm. Bộ Y tế yêu cầu 20 tỉnh, thành phía Nam phải thần tốc tiêm chủng, trước 30/6 phải hoàn thành việc tiêm chủng các lô vaccine Covid-19 đã phân bổ.

Ngoài ra, việc tiêm vaccine cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp, đồng hành cùng ngành y tế trong việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm chủng thì mới đạt hiệu quả tốt được. 

Thứ trưởng Tuyên tiếp tục nhấn mạnh địa phương nào không nhận vaccine Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Bộ Y tế để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn. 

Mời các bạn xem video: Lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19: 

Lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19. Nguồn BYT



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem