Tội danh nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố có gì đặc biệt?

Việt Sáng - Quang Minh Thứ sáu, ngày 11/02/2022 13:33 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp nếu cơ quan chức năng xác định được các đối tượng gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm theo quy định.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 10/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 người gồm: Nguyễn Ngọc Hai, sinh năm 1962, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, sinh năm 1960, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, sinh năm 1960, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, sinh năm 1980, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, sinh năm 1977, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.

Cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20) thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tội danh nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ngày 10/2. Ảnh: Zing

Về góc độ pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng VP LS Chính Pháp đã có những phân tích cụ thể.

Theo ông Cường, đây là một vụ việc rất đáng buồn diễn ra ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Vụ việc này xuất phát từ vi phạm quy định về quản lý đất đai đã được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh trong một thời gian dài. Đến nay kết luận, xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí 

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí được quy định tại điều 219.

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Theo quy định của pháp luật thì các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có nhiệm vụ quản lý đất đai theo thẩm quyền được luật đất đai quy định. Theo đó, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quản lý đất đai trên địa bàn và có thẩm quyền giao đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc giao đất cho tổ chức có thể được thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất trực tiếp không thông qua đấu giá trong một số trường hợp cụ thể. 

Trong trường hợp cán bộ, cơ quan thực hiện các thủ tục giao đất không đúng quy định, không xác định đúng giá đất dẫn đến thất thoát, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo điều 219 BLHS.

Trường hợp gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên do xác định không đúng giá đất thì có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm theo quy định. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", ông Cường phân tích.

Tội danh nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng VP LS Chính Pháp đã có những phân tích cụ thể xung quanh vụ nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị khởi tố.

Theo vị luật sư, trong vụ án này, việc xác định tài sản thất thoát, lãng phí là bao nhiêu là rất quan trọng làm căn cứ định tội cũng như quyết định hình phạt đối với các bị can.

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ thủ tục giao đất có đúng pháp luật hay không, việc xác định giá đất được thực hiện trên cơ sở trình tự thủ tục nào và sai phạm trong việc xác định giá đất được thực hiện thông qua các tài liệu chứng cứ nào, do những ai thực hiện, đây là vấn đề mẫu chốt để xác định thiệt hại, là cơ sở để xác định tội danh và hình phạt đối với các bị can.

"Cần lưu ý là giá đất hay còn gọi là giá quyền sử dụng đất sẽ có những biến động qua thời gian, bởi vậy việc xác định giá đất sẽ được tính tại thời điểm UBND cấp tỉnh này giao đất cho doanh nghiệp.

Thiệt hại xảy ra đối với Nhà nước là thiệt hại được xác định tại thời điểm giao đất, là giá tiền chênh lệch giữa giá thị trường tại thời điểm giao dịch với giá đất trong các văn bản mà UBND tỉnh Bình Thuận quyết định để xác định nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp khi giao đất.

Chuyển đất vàng giá bèo không chỉ diễn ra ở địa phương này mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh khác trong cả nước. Trước đó, nhiều cán bộ lãnh đạo ở một số địa phương đã bị xử lý, thậm chí bị khởi tố hình sự liên quan đến việc giao đất sai thủ tục, sai quy định, xác định không đúng giá đất gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.

Bởi vậy vụ án này như một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với công tác quản lý đất đai ở các địa phương khác, đồng thời cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong phòng chống tham nhũng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Hy vọng những vụ án như thế này sẽ góp phần tăng cường các giải pháp để chấm dứt tình trạng đất vàng, giá bèo, chảy máu đất công diễn ra trong nhiều năm nay", vị luật sư nói.

Ông Cường cũng cho biết thêm, với đấu tranh phòng chống tham nhũng thì phải hướng đến các mục tiêu để người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

"Người có chức vụ quyền hạn là người được Nhà nước giao cho thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, thực hiện nhiệm vụ công, trong đó có cả việc quản lý tài sản của nhà nước. Bởi vậy, để những người này không thực hiện các hành vi tham nhũng thì phải nâng cao trình độ đạo đức của họ để họ vì nhân dân phục.

 Để họ "không muốn tham nhũng" thì phải có thứ để so sánh, đánh đổi, đó là đạo đức công vụ, là vinh dự khi được giữ các chức vụ, được giao những nhiệm vụ công. Làm sao để mỗi cán bộ công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, được xã hội tôn vinh, quý mến, nể trọng, họ không thể đánh đổi, đánh mất danh dự của họ để đổi lấy những lợi ích vật chất tầm thường.

Một trong những chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay đối với nhóm tội phạm về tham nhũng là nghiêm minh và hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản. Bởi vậy kết quả xét xử những vụ án hình sự cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật thì cũng là một trong những biện pháp răn đe, phòng ngừa tội phạm, trong đó có nhóm tội phạm về tham nhũng. Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải làm tuần tự, lần lượt các giải pháp phòng chống tham nhũng nêu trên thì mới đạt hiệu quả, trong đó giải pháp đầu tiên là để cho người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng, sau đó là không cần tham nhũng, rồi không thể tham nhũng...", ông Cường chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem