|
Ông Sáng bên một ngôi mộ tình thương của người vô danh. |
Tuổi thơ cơ cực, một nửa đời gian truân nên tôi hiểu lắm mong ước của những người nghèo khổ. Quê gốc ở Triệu Phong (Quảng Trị), năm 3 tuổi, tôi đã phải theo ba mẹ lang bạt tứ xứ rồi dừng chân ở đất Long Khánh mưu sinh bằng nghề thợ cạo mủ cao su thuê. Năm tôi 12 tuổi, mẹ đột ngột qua đời. Một năm sau, ba cũng vĩnh viễn lìa xa sau một cơn bạo bệnh vì không có tiền mua thuốc.
Năm tiếp đó, anh trai - chỗ dựa cuối cùng của tôi hy sinh. Thắp nén hương lên nấm đất đơn sơ của những người thân yêu nhất, tôi trở thành bơ vơ, phải đi ở đợ bằng nghề làm bù nhìn sống, suốt ngày đứng dãi mình ngoài đồng để đuổi chim sà xuống ăn lúa.
Tiền công tích cóp được 10 năm ở đợ và vay thêm bà con, tôi đánh bạo mua một chiếc xe lam chở khách tuyến từ Long An - Dầu Giây - Rừng Lá đến Cầm Mỹ - Ông Đồn - Ông Quế... Suốt những năm chạy xe, tôi chỉ dám ăn cơm với nước lèo, nước tương, để chắt chiu trả nợ và học nghề cơ khí. Học được nghề, tôi bỏ xe lam, mở tiệm cơ khí đặt tên là Nghĩa Thành- địa chỉ tin cậy cung cấp nông cụ cho người dân khắp vùng.
Nhà hàng Nghĩa Thành của tôi cũng ăn nên làm ra. Kinh tế đã ổn, tôi mới có điều kiện để thực hiện tâm nguyện: "Cất nhà" cho những người thân đã mất. Tôi quy tập mộ của ba mẹ, anh chị và bà con vào một góc của nghĩa trang ấp Cái Rang, xây lại khang trang, thuê người chuyên lo nhang khói.
Một chiều mưa, tôi ra khu mộ gia đình thắp nhang. Nhìn những ngôi mộ xung quanh tạm bợ, không người viếng thăm, tôi thấy lòng quặn thắt. Ông bà mình vốn coi hai thế giới sống và chết không khác nhau, vậy mà chỉ mới có phong trào quyên góp để xây nhà tình thương cho người sống, chẳng ai nghĩ tới việc làm mộ tình thương cho những linh hồn quá cố. Mình sẽ làm việc ấy…
Tính đến cuối năm 2010, khu mộ tình thương của tôi ở nghĩa trang ấp Cái Rang đã hoàn thiện được 134 ngôi, trị giá 700.000 đến 1 triệu đồng/ngôi. Hàng năm, vào ngày 20-6 dương lịch, dù có bận rộn mấy, tôi cũng sắp xếp thời gian để làm đại giỗ cho cha mẹ, anh em và những hương hồn vô danh trong khu mộ tình thương.
Giờ đây, tôi đã ở cái tuổi cận bát tuần, những lo toan lời lãi trong kinh doanh không còn là mối quan tâm thường nhật như ngày còn trẻ. Ước muốn lớn nhất của tôi là xây được thêm nhiều hơn "nhà tình thương" cho những người đã khuất nghèo khó và những ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang ấp Cái Rang tìm được người thân nhang khói... (Ông Nguyễn Văn Sáng - đường Hùng Vương, thị xã Long Khánh, Đồng Nai).
Lập Thạch (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.