Tới năm 2021, kỳ thi THPT quốc gia mới có thay đổi

Tùng Anh Thứ hai, ngày 25/09/2017 17:56 PM (GMT+7)
Trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định như năm 2017. Đó là phương án vừa được Bộ GD-ĐT chốt và công bố tới các cơ sở giáo dục.
Bình luận 0

Cụ thể, theo Bộ GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về các bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

img

Đến năm 2021 trở đi mới có sự điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh minh họa: IT)

Bộ cũng sẽ rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường, đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học. Ngoài ra, Bộ sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Trước đó, Bộ GD-ĐT có gửi văn bản tới các trường ĐH,CĐ đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, Bộ đề xuất hai phương án thực hiện bài thi tổ hợp là: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017; phương án 2 là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).

Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn), một bài thi Văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Tuy nhiên, đại diện các trường, các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội đều cho rằng Bộ GD-ĐT nên ổn định phương án thi trong năm 2018 để tránh những xáo trộn không đáng có cho học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem