Mặt Trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường. Ảnh: News Report Center.
Theo các nhà thiên văn học, hôm nay (14/11), một siêu trăng sẽ xuất hiện trên bầu trời. Đây là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà phải 68 năm qua (từ năm 1948) giới thiên văn mới được chứng kiến.
Dự kiến, siêu trăng sẽ lớn hơn mặt trăng bình thường 14% và sáng hơn 30%. Thời điểm trăng tròn nhất và sáng nhất là lúc 13 giờ 52 phút theo giờ GMT, tức là khoảng 20 giờ 52 phút theo giờ Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Quốc Phương – Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho hay, hiện tượng siêu trăng không phải là hiếm có nhưng siêu trăng xảy ra ngày 14/11 này là hiếm hoi bởi kích thước của nó sẽ lớn hơn những siêu trăng thông thường.
“Theo số liệu dự đoán, nhiều nơi mặt trăng sẽ trông lớn hơn thông thường 14-17%. Tuy nhiên, để quan sát bằng mắt thường thì rất khó để nhận ra. Chúng ta chỉ có thể nhận biết khi dùng máy ảnh chụp lại và mang so sánh với mặt trăng thông thường để thấy sự khác biệt”, ông Phương nói.
Ông Phương chia sẻ, đây là siêu trăng thứ 2 xuất hiện trong năm nay (lần 1 ngày 16/10) và dự kiến sẽ còn một siêu trăng nữa xuất hiện vào ngày 14/12 tới đây.
Mặt trăng sẽ đến gần Trái đất vào lúc 20 giờ 52 phút và đạt cực đại 2-3 tiếng sau đó. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, siêu trăng lần này được quan tâm hơn cả bởi, kích thước của nó to hơn thông thường. Hơn nữa, 68 năm qua mặt trăng mới đến gần Trái đất như vậy nên người ta cảm thấy lâu và háo hức chờ đợi hơn.
Để tổ chức cho người dân, những người yêu thiên văn học ngắm siêu trăng, ông Phương cho biết, từ 19 giờ 30 phút tối nay (14/11), Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội sẽ tổ chức một điểm quan sát siêu trăng ở trước cửa sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).
“Chúng tôi dự tính sẽ mang 3 chiếc ống kính thiên văn đến địa điểm để quan sát hiện tượng siêu trăng. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà trăng sẽ xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn dự định”, ông Phương cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.