Tội tham nhũng bị xử phạt như thế nào qua 3 bộ luật thời phong kiến?

Thứ hai, ngày 24/06/2019 20:31 PM (GMT+7)
Dưới thời phong kiến, tội tham nhũng thường bị xử phạt rất nghiêm khắc. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, phạm nhân sẽ bị đánh trượng, chặt tay, tử hình.
Bình luận 0

Quy định của các bộ luật Hình Thư, Hồng Đức, Gia Long còn được lưu lại đến nay phần nào cho thấy được cách chống tham nhũng của các triều đại phong kiến trước đây.

Luật Hình Thư

Triều Lý (1009-1225) là nhà nước quân chủ đầu tiên của nước ta ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông). Bộ luật này hiện nay không còn, tuy nhiên, những chiếu chỉ còn lưu lại vẫn thể hiện một số nội dung cốt lõi.

Ngoài các tội về “thập ác”, tội tham nhũng cũng được luật pháp đặc biệt quan tâm. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban chiếu: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nhận thưởng bằng hiện vật thu được”.

Luật còn quy định “ai ở kho lụa nhận riêng một thước lụa bị phạt 100 trượng, nhận từ một tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai”.

Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ một đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.

img

Sách về Hoàng Việt luật lệ (bộ luật Gia Long). Ảnh: Lịch sử Pháp luật Việt Nam.Luật Hồng Đức.

Luật Hồng Đức

Lê Thánh Tông được đánh giá là vị vua anh minh. Một trong những việc làm của ông được lịch sử đánh giá cao là cho xây dựng bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) gồm 722 điều. Đây là bộ luật thành văn hoàn chỉnh còn được lưu lại đến nay. Trong 722 điều, có trên 40 điều liên quan chống tham nhũng.

Điều 138 của luật Hồng Đức quy định: “Quan lại tham ô từ một đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém. Ăn lễ từ một đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất sống. Nạn tham nhũng tàn phá đất nước bị đẩy lùi.

Song song với chống quan lại ăn của hối lộ, đút lót, vua ban sắc dụ những ai mượn cớ để vòi vĩnh, được biếu xén, đi lại, chè chén, cầu kết bạn với người đảm trách pháp luật đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt hay căn cứ giàu nghèo, chức trọng hay hèn kém.

Luật còn có một số quy định như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản; không được lấy người cùng quê làm giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một nơi.

Luật Gia Long

Cũng như thời Lê, dưới thời nhà Nguyễn, tội tham nhũng cũng bị trừng trị rất nghiêm khắc. Trong 400 điều của luật Gia Long (ban hành năm 1815), 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng.

Điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Điều 111 quy định: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.

Trong số các vua triều Nguyễn, Minh Mạng nổi tiếng nghiêm khắc với những quan lại tham nhũng. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát hiện. Theo luật, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây có ít nhiều công trạng nên Bộ Hình giảm xuống thành bắt đi đày viễn xứ.

Minh Mạng không chấp nhận đề nghị giảm án. Vua ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình.

Cuối năm 1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, người này đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ “chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận”.

Cũng theo Đại Nam thực lục, năm 1822, Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.

Cũng dưới thời Minh Mạng, năm 1821, Phó tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý (cha vợ Minh Mạng) cũng bị xử tử vì tham nhũng tới 30.000 quan tiền.

Ngoài những bản án rất nặng, thời nhà Nguyễn, các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem