Hiệu quả lớn, rủi ro cũng nhiều
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay con tôm chân trắng đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Năm 2013, lần đầu tiên, tôm thẻ chân trắng vượt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế. Diện tích nuôi tôm trong năm 2013 đạt 654.000ha; trong đó, tôm sú có 590.000ha, cho sản lượng 268.097 tấn, còn nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ với 64.000 ha đã cho sản lượng đạt gần 273.000 tấn. Riêng năm 2014, các tỉnh khu vực miền Trung thả nuôi 1.500ha, sản lượng thu được hơn 22.000 tấn. Như vậy, diện tích nuôi tôm sú gấp hơn 9 lần diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng sản lượng lại ít hơn gần 5.000 tấn.
uôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại Quảng Bình và các tỉnh miền Trung đang cho hiệu quả
kinh tế cao. Ảnh: B.Q.B
Diễn đàn đã lập ra một Hội đồng cố vấn gồm 7 thành viên là những nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín về nuôi trồng thủy sản đến từ các cơ quan nhà nước, các trường ĐH ở miền Trung. Tại diễn đàn hàng chục câu hỏi của bà con nông dân nuôi tôm xoay quanh các vấn đề về con giống, thức ăn, hóa chất, kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm chân trắng, chính sách hỗ trợ, bảo hiểm trong nuôi tôm chân trắng, thủ tục chứng nhận nuôi tôm chân trắng theo quy chuẩn VietGAP... được Ban cố vấn diễn đàn giải đáp thỏa đáng
|
Tại 9 tỉnh miền Trung, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 1.457ha, sản lượng thu hoạch hơn 24.000 tấn. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn như Quảng Trị (450ha), Quảng Nam (340ha), Thừa Thiên - Huế (385ha). Nhiều dự án nuôi tôm trên cát đã được quy hoạch với diện tích từ vài trăm đến vài nghìn ha. Năng suất bình quân của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đạt từ 10 -15 tấn/ha/vụ…
Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá: Trong những năm qua, việc phát triển nuôi tôm trên cát đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản đối với các tỉnh nghèo tiềm năng đất đai, đặc biệt là các tỉnh bắc miền Trung với vùng cát ven biển rộng lớn. Phong trào nuôi tôm trên cát đã giúp rất nhiều nông dân ở các địa phương ven biển nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Du – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, trước đây người ta ví von đặc sản của Quảng Bình, là gió Lào và cát trắng nhưng từ khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao thì cát trắng Quảng Bình được xem là đặc sản theo đúng nghĩa đen của nó. Từ 1ha nuôi thử nghiệm vào năm 2006, đến nay số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã phát triển lên đến gần 300ha. Cụ thể, năm 2015 toàn tỉnh có 1.087ha nuôi tôm mặn, lợ, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát là 260ha với sản lượng 2.330 tấn, chiếm 23,9% diện tích và chiếm 52,3% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu tham dự diễn đàn, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tuy có hiệu quả rất lớn nhưng hiện nay, nghề nuôi tôm trên cát của các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đang đứng trước nhiều thách thức và rủi ro lớn do phát triển diện tích ồ ạt nhưng lại thiếu sự đầu tư đồng bộ, diện tích manh mún... dẫn đến dịch bệnh bùng phát, tôm chết hàng loạt, người nuôi lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất…
Phát triển bền vững theo hướng VietGAP
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, những năm gần đây nghề nuôi tôm nước lợ đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, hiệu quả kinh tế giảm sút do chất lượng sản phẩm kém, khó xuất khẩu vào các thị trường thế giới vì dư lượng kháng sinh và hóa chất đọc hại còn tồn dư nhiều trên tôm…
Để khắc phục các trở ngại nêu trên đồng thời khuyến khích phát triển nghề nuôi tôm trên cát theo hướng an toàn dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng các mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP. Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng được 9 mô hình từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Sau 2 năm triển khai, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại những kết quả rất tốt. Cụ thể, tôm nuôi theo VietGAP đạt năng suất 10 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ thu hoạch đạt trung bình 60 con/kg. Lợi nhuận tính trên quy mô 1ha đạt từ 450 -500 triệu đồng, tăng so với mô hình không theo VietGAP trên 30%... Hiện mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP đang được nhân rộng và mang lại hiệu quả cao tại các tỉnh miền Trung…
Nhiều nhà khoa học về nuôi trồng thủy sản đến từ các Trường ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Quảng Bình, ĐH Nha Trang… phát biểu tại diễn đàn cũng cho rằng, để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, ít gặp rủi ro về dịch bệnh… người nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát nhất thiết phải thay đổi quy trình trình kỹ thuật nuôi tôm, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh và hạn chế hóa chất trong cải tạo ao nuôi, xử lý nước trong quá trình nuôi… “Nhằm hướng đến nuôi tôm an toàn sinh học, an toàn môi trường… không thể có biện pháp nào hữu hiệu hơn là ứng dụng công nghệ sinh học vào tất cả các khâu kỷ thuật trong toàn bộ quy trình nuôi…” – TS Nguyễn Tấn Sỹ - Viện Nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Nha Trang chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.