Có thể nói, cơ ngơi của Lưu Bị có một phần công lao to lớn từ hai người em kết nghĩa. Không có Quan – Trương, Lưu Bị khó có thể tự mình lên làm Hoàng đế.
Khi Lưu Bị chiêu mộ được Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng, sự nghiệp ngày càng phất lên như diều gặp gió. Quan Vũ tiếp tục là người được Lưu Bị vô cùng tín nhiệm và trở thành nhân vật quan trọng hàng đầu trong tập đoàn chính trị của nhà Thục Hán.
Khi Lưu Bị đi Tây Xuyên, ông có đem Kinh Châu giao lại cho Quan Vũ trấn thủ. Không lâu sau đó, Lưu Bị đánh bại Tào Tháo, chiếm được Hán Trung, trở thành Hán Trung Vương.
Nghe tin đại ca thắng lớn, Quan Vũ lập tức thừa thế tấn công Tào Ngụy, phát động chiến tranh Tương Phàn với mục đích bao vây Tào Nhân trong Phàn Thành để đánh nhanh diệt gọn.
Tào Tháo vội phái Vu Cấm và Bàng Đức cứu viện, kết quả bị Quan Vũ tóm gọn một mẻ, đại tướng Vu Cấm đầu hàng, phó tướng Bàng Đức bị chém, uy danh vang dội khắp nơi.
Nhưng không ngờ vào đúng lúc đó, đồng minh của Lưu Bị là Tôn Quyền đột nhiên đem quân đánh lén vào Kinh Châu đang phòng thủ yếu ớt.
Kinh Châu nhanh chóng bị chiếm, đội quân của Quan Vũ tinh thần suy sụp, nhuệ khí giảm sút, tháo chạy tứ phía. Quan Vũ tứ cố vô thân, sau cùng bị liên minh Tào – Tôn đánh bại để rồi mất mạng.
Hay tin nhị đệ bị giết, Lưu Bị vô cùng đau lòng, nhiều lần còn ngất đi trong đau đớn. Nhớ tới lời thề kết nghĩa nơi vườn đào năm xưa, Lưu Bị uất hận nói ra một câu: "Ta với Đông Ngô, thề không đội trời chung!".
Lúc này, nếu Tào Phi nghe thấy những lời ấy, chỉ e là muốn cười thành tiếng. Bởi Thục Hán cùng Đông Ngô đánh nhau chính là viễn cảnh mà Tào Ngụy trông ngóng bấy lâu nay để có thể "ngư ông đắc lợi".
Mà câu nói ấy cũng đến tai Tôn Quyền, khiến vị quân chủ này sợ tới toát mồ hôi. Vì ông biết đó chính là tuyên ngôn liều mạng trả thù của Lưu Bị.
Tôn Quyền cũng rất thức thời, lập tức sai tướng cầu hòa với Lưu Bị và hứa trả lại Kinh Châu. Nhưng Lưu Bị khi đó vì muốn báo thù cho nhị đệ, không để ý tới lời cầu hòa này, một lòng muốn "làm cỏ" Đông Ngô.
Không lâu sau, Lưu Bị đem 70 vạn quân Thục tiến đánh Đông Ngô. Nếu không phải bị trúng kế sách của Lục Tốn, chắc hẳn ông đã hoàn thành tâm nguyện báo thù cho Quan Vũ.
Chỉ tiếc rằng trời xanh còn phù cho Đông Ngô, để cho ba huynh đệ Lưu – Quan – Trương phải ôm hận mà qua đời.
Sai lầm khi nhìn nhầm một người huynh đệ
Lưu Bị giao việc vô cùng quan trọng là trấn giữ Kinh Châu cho người anh em tốt của mình là Quan Vũ, sau này, sự thật đã chứng minh ông đã nhìn nhầm người huynh đệ này.
Mặc dù Lưu Bị cảm thấy "đệ làm việc, ta yên tâm", nhưng biểu hiện của Quan Vũ quả thực đã làm ông thất vọng.
Quan Vũ mặc dù một lòng trung thành với Lưu Bị, võ nghệ cũng thuộc hàng cao cường, còn đọc rất nhiều binh pháp "Xuân Thu", trông thì có vẻ rất thích hợp để là người trấn thủ một phương nhưng Quan Vũ lại có một nhược điểm chí mạng đó là ngạo mạn.
Quan Vũ tuy rất yêu mến tầng lớp trung sĩ, nhưng lại rất coi thường các sĩ phu, khi ông đang đắc thế, những tướng sĩ từng bị ông sỉ nhục không dám làm gì, nhưng đợi tới khi Quan Vũ gặp bất lợi trên chiến trường, các tướng lĩnh đó quyết định tạo phản, bản thân Quan Vũ bị giết, vùng đất Kinh Châu quan trọng của Thục Hán cũng bị mất theo.
Lưu Bị không chỉ mất đi một đại tướng mà còn mất đi một vùng căn cứ địa quan trọng, vì vậy mà nhất thời tức giận, dồn hết tài sản quốc gia đi thảo phạt Đông Ngô, để rồi đại bại trong trận Di Lăng, tổn thất nghiêm trọng.
Nếu không có trận Di Lăng quá hao tốn quốc lực thì những trận Bắc phạt sau đó của Gia Cát Lượng đã có khả năng để thành công. Chính bởi nhìn nhầm Quan Vũ mà Lưu Bị đã làm mất đi một phần khả năng thống nhất Trung Nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.