Tổn thương da do tiếp xúc kiến ba khoang dễ nhầm lẫn với bệnh Zona

Diệu Linh Thứ năm, ngày 31/03/2022 06:17 AM (GMT+7)
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp một số nhiều trẻ bị tổn thương da nặng do kiến ba khoang tiếp xúc. Các bác sĩ cảnh báo phòng chống kiến ba khoang khi "mùa kiến ba khoang" đang tới gần.
Bình luận 0

Tổn thương do kiến ba khoang lại bị chẩn đoán mắc Zona

TS, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương (Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, gần đây khoa đã khám và điều trị cho 1 số bệnh nhi bị tổn thương da nặng do kiến ba khoang.

Gần nhất là bệnh nhân Lê Vĩ L (5 tuổi, trú tại Kim Bảng, Hà Nam), nhập viện trong tình trạng tổn thương da nặng ở mặt, cổ, tai, vùng da sinh dục. Người nhà cho biết, 3 ngày trước bệnh nhi chỉ bị vài đám đỏ da rải rác ở vùng mặt, sau đó thương tổn thấy ở nhiều vùng da khác như cổ tai, da sinh dục, kèm theo trẻ đau rát.

Tổn thương da do tiếp xúc kiến ba khoang dễ nhầm lẫn với bệnh Zona - Ảnh 1.

Bé L.Vĩ L với tổn thương nặng do tiếp xúc kiến ba khoang. Ảnh BVCC

Gia đình đã đưa trẻ khám ở y tế cơ sở được chẩn đoán trẻ mắc bệnh Zona, được kê đơn thuốc trong đó có thuốc Acyclovir bôi và uống. Tuy nhiên, vết thương không đỡ mà lan ra nhiều vùng da hơn.

Bố bệnh nhi cho biết gia đình có 2 bé nữa cũng bị bệnh tương tự.

Kiến ba khoang còn được gọi là kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài khoảng 1cm, có hai màu đỏ và đen.

Kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, mình nó có 2 đôi cánh.

Ban ngày, kiến ba khoang bò tương tự như kiến, chúng sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, ...

Chúng thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào đèn, vào nhà khi sáng đèn, nhất là các toàn nhà cao tầng, khu nhà cạnh cánh đồng.

Khi bị chà xát hay dập nát, cơ thể chúng có thể phóng ra chất dịch chứa chất paederin.

Chất dịch này khi tiếp xúc với bề mặt da gây nên phản ứng viêm da tiếp xúc kích ứng (mọi người thường hay hiểu lầm là kiến ba khoang đốt), tiếp xúc với mắt gây nên: loét kết mạc, giác mạc, bỏng mắt…

Các bác sĩ khoa Da liễu khám và chẩn đoán bé L bị bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng hoặc tên gọi khác "viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang" chứ không phải bệnh Zona.

Theo bác sĩ Hương, tổn thương sau tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ ngực, vai, gáy, tay chân, sau khoảng vài giờ tiếp xúc với kiến khoang. Mức độ bệnh phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và nồng độ chất tiết của kiến ba khoang.

Biểu hiện của bệnh thường rát đỏ thành vệt, thành đám nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ li ti, vùng trung tâm thương tổn hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn hiện diện của kiến ba khoang do trẻ tiếp tục va quệt từ vùng da bệnh sang vùng da lành, những vùng nếp gấp còn thấy hình ảnh điển hình "tổn thương dạng hôn" (kissing lesion)

Trẻ ngứa, rát bỏng hoặc đau tại chỗ nên có thể quấy khóc, hoặc sờ chạm vào tổn thương gây lây lan. Thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Bác sĩ Hương cũng nhận định, bệnh viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang dễ nhầm lẫn với bệnh Zona.

Tổn thương da do tiếp xúc kiến ba khoang dễ nhầm lẫn với bệnh Zona - Ảnh 3.

Kiến ba khoang thường phát triển vào đầu mùa hè, khi độ ẩm tăng cao và bùng phát nhiều vào tháng 8- tháng 10

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Quân đội 108) cũng nhận định, rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với zona.

"Zona là bệnh lý do virus Varricella-zoster, bệnh đặc trưng bởi tình trạng những đám mụn nước nhỏ trên nền dát đỏ, ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt bệnh thường đi kèm các triệu chứng đau rất dữ dội.

Ngoài ra, một số trường hợp viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang còn bị chẩn đoán nhầm với bệnh herpes.

Herpes là bệnh do virus Herpes simplex gây nên, với tổn thương là mụn nước nhỏ tập trung thành đám, ở vùng niêm mạc môi, sinh dục… Người bệnh thường có cảm giác ngứa, rát, châm chích… bệnh thường hay tái phát", bác sĩ Trang chia sẻ.

Xử trí sau khi phát hiện tiếp xúc với kiến ba khoang

Theo bác sĩ Hương, khi phát hiện kiến ba khoang bò lên người cần loại bỏ ngay kiến ba khoang bằng cách rũ mạnh cho chúng rơi xuống hoặc cầm đồ vật, giấy bắt hoặc gạt chúng xuống, không dùng tay trần để bắt, giết, miết...

Sau đó, rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, và dùng thuốc sát trùng nhẹ như povidone iodine.

Tổn thương da do tiếp xúc kiến ba khoang dễ nhầm lẫn với bệnh Zona - Ảnh 4.

Các tổn thương do kiến ba khoang thường ở các nếp gấp như khuỷu tay, bẹn, nách... Ảnh BVCC

"Tuyệt đối không tự ý bôi đắp các loại tự chế, ví dụ: nhai gạo nếp, đậu xanh, kem đánh răng hoặc một số loại lá cây… làm bệnh nặng thêm và bội nhiễm.

Nếu trẻ chỉ thương tổn nhẹ, chỉ là những vệt đỏ khu trú, xử trí ban đầu tốt, khoảng 2-3 ngày bệnh đỡ.

Nếu thương tổn nặng, lan rộng, đặc biệt ở những vị trí quanh mắt, hoặc có biểu hiện bội nhiễm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, tốt nhất là khám chuyên khoa da liễu", bác sĩ Hương khuyến cáo.

Biện pháp phòng tránh kiến ba khoang tiếp xúc:

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm

- Nếu phát hiện khu vực sinh sống có kiến ba khoang, cần hạn chế mở cửa, hạn chế sử dụng nhiều bóng đèn điện trong trường hợp không cần thiết, có thể sử dụng lưới chống côn trùng;

- Trước khi ngủ cần quét nhà, mắc màn;

- Trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn, … cần có thói quen kiểm tra kỹ, giũ sạch;

- Khi phát hiện kiến ba khoang cần bình tĩnh để thổi nhẹ hoặc hất chúng bay đi, tránh bắt giết, chà xát.

- Khi đã vô tình tiếp xúc hay chà xát nên rửa sạch vùng tiếp xúc bằng nhiều nước sạch hay nước muối sinh lý 0.9%".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem