"Tôn vinh nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn!"

Thanh Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/10/2024 19:16 PM (GMT+7)
Nhà văn Phan Trung Nghĩa chia sẻ với PV Dân Việt: “Việc tôn vinh nông dân thực sự có ý nghĩa phát triển xã hội và là tôn vinh những người bảo vệ văn hoá truyền thống nông thôn. Đó là nền tảng, sức mạnh tinh thần của nông dân, nông thôn”.
Bình luận 0

Đang mất dần "khuôn vàng thước ngọc" về nếp sống của làng quê

Tôn vinh người nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn! - Ảnh 1.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông được đặt biệt danh là nhà văn "hương đồng gió nội" bởi những tác phẩm truyện ngắn "Hương cau"; "Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại"; Ký sự "Chuyện cổ tích của đất"… được đông đảo bạn đọc yêu mến và thích thú.

Sinh ra và lớn lên tại tại ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, nhà văn Phan Trung Nghĩa hơn ai hết hiểu về vùng quê nông thôn, vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, cùng đó là những trăn trở, đau đáu về văn hóa truyền thống, văn hóa nông thôn và sự đổi thay từng ngày của người nông dân.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV Dân Việt về người nông dân trong thời kỳ lịch sử cũng như thời điểm hiện tại.

Xin chào nhà văn Phan Trung Nghĩa. Được biết, ông sinh ra và lớn lên ở nông thôn và cũng là người đã có rất nhiều tác phẩm về đề tài này. Vậy theo ông, người nông dân bây giờ đã có những thay đổi ra sao từ vật chất, kinh tế đến đời sống tinh thần?

- Đất nước ta thay đổi từng ngày, theo đó các giai cấp cũng thay đổi. Giai cấp nông dân xưa canh tác trên mảnh đất đầy mưa bom bão đạn, thành quả lao động trộn mồ hôi nước mắt nên đời sống khổ cực nhọc nhằn hơn thời đại hôm nay. Thời bây giờ, khoa học kỹ thuật đã len lỏi vào ngõ ngách của nông thôn, người nông dân canh tác, làm nông đã không còn vất vả như trước nữa.

Tuy nhiên, sự thay đổi ấy có cũng những mặt tích cực và cả những thách thức đáng lo ngại về mặt tinh thần. Chúng ta đều hiểu rằng nông thôn là thành lũy cuối cùng bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống, xu hướng vận động phát triển của chúng ta ngày nay là hiện đại hoá, đô thị hoá. Điều đó mang đến cho nông thôn những thay đổi, những diện mạo mới nhưng đồng thời nó cũng đã và đang gặm nhấm dần thành lũy cuối cùng bảo vệ văn hoá, tinh thần truyền thống ở vùng nông thôn.

Tôn vinh người nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn! - Ảnh 2.

Hình ảnh người nông dân ở Bạc Liêu tát đia. (Ảnh: NVCC)

Xin ông nói rõ hơn những thách thức từ sự thay đổi này là gì?

Những lối sống kẻ chợ, những văn hoá đương đại... ùa vào "ngồi xổm" giữa đồng quê thơ mộng, nó làm cho con người hiện tại ngơ ngác, lúng túng, vụng về trong việc tiếp biến luồng văn hoá mới. Những khuôn vàng thước ngọc dạy dỗ, quy định lối sống của nông dân, nếp sống của làng quê mà ông cha mấy đời tạo dựng giữ gìn bị "xâm thực", bị phá vỡ dần. Người nông dân sống trong cảnh nửa chợ, nửa quê, không biết sống thế nào cho đúng.

Là người con của Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau hiện nay người ta xác định con tôm là kinh tế mũi nhọn. Việc dành một phần diện tích rất lớn của nông thôn cho con tôm đã và đang diễn ra. Con tôm làm cho đời sống nông dân thay đổi, những ngôi nhà khang trang, biệt thự đẹp, phương tiện sinh hoạt của người nông dân tốt hơn nhưng cũng có những vấn đề thách thức đặt ra.

Khi lịch sử khai khẩn vùng này để thiết lập kinh tế xã hội từ nền nông nghiệp cấy lúa, trồng vườn cây và đào dia bắt cá... đều yêu cầu có nước ngọt.

Hàng trăm năm qua từ thế hệ này đến thế hệ khác người nông dân vùng này đã đắp bờ ngăn mặn để giữ ngọt tạo ra hệ sinh thái ngọt với một sinh cảnh ổn định, lâu đời, tưởng như chuyện tự nhiên phải thế, thế nhưng việc nuôi tôm đã tác động vào những cánh đồng. Nước mặn được đưa vào nhiều cánh đồng rộng lớn hệ sinh thái ngọt bị phá vỡ, cây nước ngọt chết làm cho cảnh quan thôn quê thơ mộng không còn. Cá nước ngọt chết, tự sản tự tiêu đã dần biến mất, giờ đây người nông dân sống trên đồng ruộng phải đi mua cá ăn hàng ngày, đồng đất mất đi một cảnh quan đồng lúa nên thơ thay vào đó ngổn ngang những bờ bao vuông tôm.

Tôn vinh người nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn! - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan. (Ảnh: T.N)

Đời sống của những nông dân ở làng quê thuần nông với tính cách hiền lành đã ít nhiều bị ảnh hưởng khi chuyển qua nuôi tôm. Khi được mùa tôm, có thể thu về tiền tỷ, với nhiều người số tiền to đó sẽ khó cưỡng những thứ ăn chơi, đua đòi… Và khi mùa tôm bị mất trắng thì lại dẫn tới nợ nần ngân hàng bởi đặt cược nhà của, tất cả tài sản để lấy vốn nuôi tôm.

Với tất cả những vấn đề trên đã tạo ra một sự bất ổn đối với người nông dân. Có thể nói đây cũng là một thách thức đặt ra trong đời sống nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôn vinh nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn

Tôn vinh người nông dân là tôn vinh người bảo vệ văn hóa truyền thống nông thôn! - Ảnh 4.

Cánh đồng lúa trải dài, mỏi cánh cò bay tại Châu Đốc, An Giang. (Ảnh: H.H)

Vài năm trở lại đây, rất nhiều chương trình đã được tổ chức tôn vinh người nông dân, như "Tự hào nông dân Việt Nam"; "Trao giải những người nông dân xuất sắc", với những sáng kiến, làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình trên quê hương mình.  Ông đánh giá việc tôn vinh này có ý nghĩa như thế nào?

Việc tôn vinh nông dân thực sự có ý nghĩa phát triển xã hội, là tôn vinh những người bảo vệ văn hoá truyền thống nông thôn, đó là nền tảng, sức mạnh tinh thần của nông dân, nông thôn.

Với chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" do Hội Nông dân Việt Nam, báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức thường niên là dịp để tôn vinh những nông dân xuất sắc, sáng tạo và có những đóng góp nổi bật trong công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong nền kinh tế quốc gia.

Như chúng ta đã biết, bây giờ chúng ta đang ở thế kỷ 21, thời đại của công nghệ 4.0, số hóa, vì vậy việc chuyển đối số trong nông nghiệp là một việc quan trọng để người nông dân xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo an ninh lương thực và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Tôi tin với sự kiện "Tự hào nông dân Việt Nam" sẽ là cơ hội để các nông dân tiêu biểu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.

Như vậy, với sự thích nghi của nông dân trong thời kỳ mới, ông có nghĩ rằng, đây sẽ là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước?

- Nông dân là một giai cấp chiếm đại bộ phận, thời kỳ nào cũng có sự đóng góp của họ. Sự đóng góp của người nông dân cực kỳ lớn lao trong việc mở rộng bờ cõi, tiến về phương nam với vai trò của giai cấp nông dân là chủ đạo. Bởi chúng ta mở rộng đất phương Nam không phải bằng gươm đao mà bằng cây lúa, đó là việc triển khai nền nông nghiệp của các chúa Nguyễn.

Trong 2 cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, chiến tranh diễn ra phần lớn trên địa bàn nông thôn nên nông dân chịu nhiều bom đạn nhất và vì nông dân chiếm đại bộ phận dân số nên nguồn lực giúp cho cách mạng cũng nhiều hơn và hôm nay, nền kinh tế vẫn ở thế nông nghiệp là chủ đạo, vai trò của nông dân vẫn ở thế chủ đạo trong phát triển đất nước.

Xin cảm ơn nhà văn Phan Trung Nghĩa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem