Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 18.7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử trong cả nước nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và có bài phát biểu.
Theo Tổng Bí thư, cuộc bầu cử diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, thực sự là ngày hội của cả nước, là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn dân.
"Thành công của cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của nhân dân ta, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thêm, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời có không ít khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của TƯ, sự vào cuộc tích cực của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhân dân; Sự chủ động tích cực, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử; tinh thần làm chủ và sự ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
“Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản đã giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân...”, Tổng Bí thư đánh giá.
Trước đó trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công nhưng vẫn còn hạn chế như có nơi vi phạm phải huỷ kết quả và bầu lại, có nơi không bầu đủ 2/3 đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu, nhất là đối với Hội đồng nhân dân cấp xã...
"Bầu cử còn có hạn chế là có 2 người trúng cử đại biểu Quốc hội nhưng sau đó Hội đồng bầu cử quốc gia phải ra nghị quyết với 100% số thành viên có mặt xác nhận không đủ tư cách đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nói.
2 người trúng cử đại biểu Quốc hội không được công nhận tư cách đại biểu là ông Trịnh Xuân Thanh (trúng cử ở Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (trúng cử ở Hà Nội). Ông Trịnh Xuân Thanh bị bác tư cách đại biểu vì có những hành vi vi phạm được Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng kết luận và đề nghị. Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam khi đăng ký quốc tịch Cộng hoà Malta.
Theo điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam, mỗi công dân chỉ được quyền có 1 quốc tịch. Bà Nguyệt Hường hiện vẫn chưa thôi quốc tịch Việt Nam nhưng lại đăng ký thêm quốc tịch Malta. Như vậy, hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có đến 2 quốc tịch, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.