Cây đa Tân Trào. (Nguồn: Tuyenquang.gov.vn)
Trong không khí cả nước kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 29.8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Cùng đi với Tổng Bí thư có Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Sáng Vang, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư đã đến thăm, thắp hưởng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8.1945, chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; tham quan Đình Tân Trào, nơi Quốc dân đại hội đã họp ngày 18 và 19.8.1945, thông qua lệnh khởi nghĩa giành chính quyền và 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sau khi tham quan Khu di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi lưu bút tại đây: “Tôi rất vui mừng trở lại thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã từng làm việc; nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của dân tộc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao và mãi mãi biết ơn những đóng góp to lớn, ân tình sâu nặng, son sắt của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đối với Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam.”
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ ngày 21.5 đến cuối tháng 5.1945; gia đình ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ ngày 21.5 đến 16.8.1945, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Sơn Dương và đại diện các xã trong huyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Sơn Dương có vị thế đặc biệt, gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từng được mệnh danh là Thủ đô của khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương từng đặt trụ sở làm việc tại Sơn Dương. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy Sơn Dương ngày nay đang trên đà phát triển. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, Sơn Dương đã đạt kết quả khá toàn diện, trong số 46 chỉ tiêu, đã hoàn thành 29 chỉ tiêu, dự kiến hết nhiệm kỳ sẽ hoàn thành 44 chỉ tiêu; bình quân thu nhập đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm.
Sơn Dương đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giao thông nông thôn, 100% số thôn, bản có đường ôtô đến trung tâm, trong đó dân đóng góp 202/400 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện đã hình thành Cụm Công nghiệp Sơn Nam và một số điểm công nghiệp, một số dự án công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng... đã đi vào hoạt động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Sơn Dương cũng đã khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, hàng năm thu hút khoảng 500-600 nghìn lượt du khách.
Nhờ tận dụng tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ, Sơn Dương đã bảo đảm được an ninh lương thực với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 85.000 tấn, bình quân lương thực đạt 450 kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo có khả năng kéo xuống còn 10% vào cuối năm nay. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không để xảy ra các tệ nạn xã hội.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm chỉ đạo, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới. Đáng chú ý là công tác cán bộ, Sơn Dương, Tuyên Quang đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số...
Tổng Bí thư chỉ rõ Sơn Dương là địa bàn trung chuyển giữa đồng bằng và trung du, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch... Bởi vậy, Sơn Dương, Tuyên Quang cần phát huy hết tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy liên kết, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn để có những bước tiến nhanh, mạnh, xa hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tại huyện Sơn Dương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, khảo sát tình hình hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần giấy An Hòa, với 2 nhà máy: Nhà máy sản xuất bột giấy công suất 130.000 tấn/năm và Nhà máy sản xuất giấy tráng phấn cao cấp công suất 140.000 tấn giấy/năm.
Sau khi cả hai nhà máy đi vào hoạt động, dự kiến nộp ngân sách 100 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 1.150 lao động, chủ yếu là người địa phương, với mức thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.