Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hà Nội, TP.HCM 10-15 năm nữa thế nào?

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 16/05/2019 19:46 PM (GMT+7)
Nói về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, định hướng cho phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào?
Bình luận 0

 img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10 (ảnh TTXVN).                                                                                                              

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện, ông đã khái quát 8 vấn đề khó và phức tạp nhất sắp tới phải tập trung, không phải chỉ Trung ương mà tất cả các địa phương.

“Đi khảo sát các nơi, vừa rồi đã nhắc các đoàn rồi, không phải xuống nghe các báo cáo chung chung, phải đi khảo sát, trao đổi những vấn đề tôi vừa nêu trên đây. Tôi nói ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh, 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì, hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Khó lắm các đồng chí ạ, phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế. Đấy, văn kiện là thế đấy, không phải cốt có báo cáo”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, ông tạm nêu 8 nhóm vấn đề khó và phức tạp đòi hỏi trí tuệ của Trung ương đóng góp xây dựng các văn kiện. “Văn kiện là định hướng để làm chứ không phải để nói. Tôi nêu một số trọng tâm của Hội nghị lần này để chúng ta bàn, thảo luận cho thật tốt đề cương các văn kiện. Từ đó mới ra cách làm, phân công thế nào, từng nhóm thế nào, khảo sát thế nào, nghiên cứu lý luận thế nào”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tại Đại hội, vấn đề nhân sự là rất quan trọng và rất khó, nhưng vấn đề nội dung này càng quan trọng hơn, để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng. “Vừa qua, Trung ương đã cho thành lập các tiểu ban, các tiểu ban hoạt động rất tích cực, họp thường xuyên, hội thảo khá nhiều. Bộ Chính trị cũng đã nghe, các tiểu ban cũng họp mấy lần nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm… Lần này, Trung ương thảo luận kỹ, thống nhất được định hướng thì sẽ thuận, là rất tốt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đề nghị, lần này Trung ương cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã nói: Mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm, các đồng chí lãnh đạo dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ, tận dụng tối đa trí tuệ của các đồng chí, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hôm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học. Cách làm đó rất tốt, nên làm nhiều hơn nữa, chia làm nhiều chủ đề, nhiều chuyên đề, nhiều đối tượng nghe, cọ xát, thảo luận", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay.

Nói  về kết cấu của các báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần được quyết định sớm ngay tại Hội nghị này để kịp hoàn chỉnh dự thảo Đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem