Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).
Nói về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết:
Theo quyết định của Trung ương, chúng ta đã thành lập các tiểu ban để chuẩn bị các văn kiện. Nói văn kiện là nói chung, văn bản có nhiều. Văn kiện trung tâm là Báo cáo chính trị. Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó.
“Nói Báo cáo chính trị là trung tâm không có nghĩa là chỉ có Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị nêu toàn diện tất cả các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, có tính chính trị để sắp tới triển khai các công việc. Cùng với Báo cáo chính trị có Báo cáo tổng kết Cương lĩnh. Có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng. Một là, Báo cáo về kinh tế - xã hội. Đặc biệt lần này, chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay.
Theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước, kinh tế là trung tâm, lâu nay thường có Báo cáo kinh tế - xã hội nhưng là Báo cáo chuyên đề, nó không trùng với Báo cáo chính trị, nó phải cụ thể hơn. Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Nếu có sửa thì chúng ta phải tổng kết. Nhưng Báo cáo kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt cũng là 2 báo cáo chuyên đề đi sâu vào 2 lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung, có điều kiện nói cụ thể hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nói Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước.
“Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Vẫn theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình.
“Tôi chỉ nói một ví dụ: Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp…”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặt vấn đề, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ.
“Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.