Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cao tuổi thực sự là "vốn quý của dân tộc"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cao tuổi thực sự là "vốn quý của dân tộc"
PVCT
Thứ năm, ngày 13/01/2022 20:12 PM (GMT+7)
Chiều 13/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các đại biểu người cao tuổi Việt Nam về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2021-2026). Cùng tham dự buổi gặp mặt có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được gặp các đại biểu - đại diện cho 9,7 triệu hội viên Hội Người cao tuổi cả nước về dự Đại hội đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI.
"Chúng ta đều đã biết, văn hoá và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay là "Kính già, yêu trẻ, "Kính lão đắc thọ", "Kính già, già để tuổi cho"; người già luôn luôn được đề cao, được tôn trọng. Vì sao? Vì người già là người có nhiều tuổi, đã từng trải, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, am hiểu sâu sắc về văn hoá, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ, gia đình", Tổng Bí thư nói.
Vẫn theo Tổng Bí thư, trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão.
Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói "Tuổi cao, ý chí càng cao"
"Người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đề cập đến Hội Người cao tuổi Việt Nam, theo nhận định của Tổng Bí thư là ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp được đông đảo người cao tuổi tham gia Hội.
Với trên 9,7 triệu hội viên - chiếm tỉ lệ trên 85% tổng số người cao tuổi cả nước (hiện cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi), Hội Người cao tuổi các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Hội đã triển khai đồng bộ hai chương trình công tác lớn là Chương trình "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở"; và Chương trình "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"…
Dù tuổi cao, nhưng vẫn có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3.000 tỷ đồng, hiến 24,4 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, cơ sở y tế...
Đặc biệt, Hội Người cao tuổi đã thành lập 3.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170 nghìn người tham gia. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đạt giải nhất trong giải "Sáng kiến vì một Châu Á già hoá khoẻ mạnh".
"Trong tình hình mới hiện nay, quá trình già hoá của dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng người cao tuổi ngày nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho Dân tộc", Tổng Bí thư cho biết và đề nghị:
Hội Người cao tuổi tiếp tục xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh toàn diện, tăng cường phát triển hội viên; nâng cao chất lượng hoạt động, công tác, nhất là các Hội cơ sở.
Tổng Bí thư đề nghị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi lần thứ VI này thảo luận, quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách đối với người cao tuổi đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.