Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã ban hành Nghị quyết về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là thời gian Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị đứng đầu Đảng nhiệm kỳ thứ 2.
Chính sách cực kỳ quan trọng này đã mở ra thời kỳ mới cho kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Kinh tế tư nhân được ghi nhận vai trò là một trong ba động lực, nòng cốt (cùng kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể) để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nghị quyết nêu: "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Do vậy, Nghị quyết xác định "Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ".
Theo Nghị quyết số 10, Bộ Chính trị quán triệt quan điểm và xây dựng mục tiêu chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55% và đến năm 2030 đạt khoảng 60-65%.
Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đi vào thực tế nhanh nhất, hiệu quả nhất, giai đoạn 2017 - 2023, Quốc hội đã ban hành hơn 100 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản pháp luật khác về doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Theo một thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến nay kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam hiện nay có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân.
Với đường lối đúng đắn của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nhân Việt Nam, hiện Việt Nam đã có 6 tỷ phú USD thế giới, đây là những doanh nhân đi đầu trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, chế tạo. Ngoài ra, theo báo cáo của nhiều tổ chức thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 triệu phú USD với tài sản 1 triệu USD (23-25 tỷ đồng), gần 60 triệu phú có tài sản hơn 100 triệu USD. Ngoài ra còn chưa kể tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng tăng cao cao chiếm từ 30% dân số.
Trong giai đoạn 2013-2023, số triệu phú USD của Việt Nam đã tăng 98%, tức gần gấp đôi. Tốc độ này vượt cả Trung Quốc (92%), Ấn Độ (65%) và Mỹ (62%).
Sự tăng trưởng ngày càng nhanh của số lượng doanh nghiệp, tầng lớp doanh nhân, tầng lớp triệu phú, tỷ phú USD tại Việt Nam là minh chứng cho tính đúng đắn, kịp thời về chính sách đối với kinh tế tư nhân của Việt Nam. Tạo tiền đề cho những năm tiếp theo khi Việt Nam đã và đang hình thành được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tự chủ trong nhiều lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, vận tải, cơ khí chế tạo máy…
Về thu hút FDI, giai đoạn 2011-2023 nền kinh tế Việt Nam thu hút số vốn lớn từ các nhà đầu tư thế giới. Từ lượng vốn 14,7 tỷ USD năm 2011, 12 năm sau lượng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 2,5 lần lên mức 36,6 tỷ USD.
Về giải ngân thực tế, giai đoạn 2011-2023, số vốn giải ngân thực tế FDI vào Việt Nam tăng từ 11 tỷ USD/năm 2011 lên 23,18 tỷ USD năm 2023, tức tăng trên 2 lần sau 12 năm.
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2019 năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về thu hút FDI trong tình hình mới, thu hút FDI đã đạt cao nhất trong nhiều năm với hơn 38,02 tỷ USD, tăng 17,2%, vốn thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7%.
Thời kỳ 2011 đến cuối 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 355 tỷ USD, vốn giải ngân thực tế đạt 218 tỷ USD, chiếm 61,4% vốn đăng ký và cấp mới. Khu vực FDI đóng góp vào GDP năm 2010 là 15,15% và năm 2015 là 18,07%, năm 2019 là 20%; so với trung bình của thế giới, khu vực FDI đóng góp vào GDP của Việt Nam cao hơn 9,4 điểm % (20% so với 10,6%).
Về thương mại, nhờ sự tăng thực chất, ổn định của GDP và sự gia tăng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011- nay tăng mạnh.
Từ tổng kim ngạch hơn 157 tỷ USD năm 2010, với nhập siêu 12,6 tỷ USD, năm 2011, tổng kim ngạch toàn nền kinh tế đạt 203,6 tỷ USD tăng gần 47 tỷ USD so với cùng kỳ, giảm nhập siêu xuống còn 9,6 tỷ USD. Năm 2012, Việt Nam chấm dứt nhập siêu, bắt đầu chu kỳ xuất siêu của nền kinh tế.
Từ năm 2016 đến 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của nền kinh tế luôn vượt hơn 350 tỷ USD, trong đó cao nhất, năm 2022 là 731 tỷ USD. Năm 2022, xuất siêu đạt 12 tỷ USD. Năm 2023, xuất siêu của Việt Nam cũng ghi nhận kỷ lục hơn 28,4 tỷ USD.
Với tăng trưởng GDP ổn định, thực chất, nền kinh tế mở và sự cải thiện nhanh về môi trường đầu tư nhiều nhận định của các tổ chức kinh tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm lọt top các nền kinh tế có kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD vào năm 2025 và năm 2030.
Giai đoạn 2011 – 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2024, nhiều năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định từ 5% đến hơn 7%/năm. Trong hai năm thế giới xảy ra đại dịch Covid-19, nền kinh tế nhiều nước âm, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91% (năm 2020) và 2,58% năm 2021, giai đoạn phục hồi 2022 tăng trưởng cao với 8,02% và 5,05% năm 2023.
Những năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, không thể không nhắc tới là vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, phát huy. Hiện, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, vùng lãnh thổ, quan hệ kinh tế với hơn 221 đối tác. Trong quan hệ song phương, cấp quan hệ cao nhất: Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam có quan hệ với 7 quốc gia là: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia, 5 trong số đó là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Ngoài Trung Quốc là nước thiết lập quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược với Việt Nam sớm nhất từ năm 2008, 6 nước còn lại thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011-nay) là Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012, Ấn Độ năm 2016, Hàn Quốc năm 2022, ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trong hai năm 2023 và năm 2024.
Đáng chú ý, chỉ trong hơn 6 tháng (từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024), Việt Nam đã nâng cấp đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với 3 đối tác lớn là Mỹ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023) và Úc (tháng 3/2024).
Với vị thế, uy tín và sức ảnh hưởng ngày càng to lớn, Việt Nam đã ký kết và gia nhập 17 Hiệp định thương mại tự so song và đa phương (FTAs) thế hệ mới, trong đó có nhiều Hiệp định FTAs mang tính khu vực như Cộng đồng ASEAN (AC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEPT) giữa các đối tác ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực ASEAN là Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - 27 đối tác EU (EVFTA)… Với các nước lớn, Việt Nam đều ký FTAs song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ….
Với quy mô GDP hơn 435 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, dân số 100 triệu người, cùng sự đổi thay nhanh chóng về hạ tầng giao thông… Việt Nam đang được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về môi trường đầu tư, sự ổn định chính trị và kiên định đường lối phát triển.
Với mục tiêu năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp, năm 2045 trở thành nước phát triển, Việt Nam đang hướng đến những mục tiêu cao hơn, kỳ vọng hơn trong đó lĩnh vực then chốt là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển nền kinh tế năng động, hiệu quả và đặc biệt là định hướng phát triển nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, mục tiêu phát thải 0% năm 2050.
Những dấu ấn đậm nét của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, khẳng định kinh tế tư nhân là 1 trong 3 nòng cốt và tạo vị thể mới trong hội nhập quốc tế thể hiện sự định hướng đúng đắn, chỉ đạo sát thực, hiệu quả của Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực và vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói như vậy với tất cả sự khiêm tốn vốn có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.