Chuyến thăm lịch sử và dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Chuyến thăm lịch sử và dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Mỹ Hằng thực hiện
Chủ nhật, ngày 28/07/2024 15:34 PM (GMT+7)
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 10 năm qua có những bước phát triển vượt bậc, trong đó dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất lớn – Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, chia sẻ với Dân Việt.
Là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong nhiệm kỳ 2014-2018, Đại sứ Phạm Quang Vinh khi đó đã có vinh dự tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Với Đại sứ, những hình ảnh của chuyến thăm từ ngày 6-10/7/2015 đó không bao giờ phai mờ.
"Hai bên đều gọi đó là một chuyến thăm lịch sử, một câu chuyện lớn trong quan hệ giữa hai nước" - Đại sứ nói. "Lịch sử, không chỉ vì đó là lần đầu tiên có lời mời và chuyến thăm chính thức của một Tổng thống Mỹ và một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, mà hai bên đã thảo luận rất thẳng thắn và chân thành về quan hệ hai nước, đề ra tầm nhìn cho quan hệ, nhấn mạnh việc quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên đối tác toàn diện năm 2013 và cho rằng còn nhiều không gian để tiếp tục nâng tầm quan hệ".
"Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với việc hợp tác các mặt, hai bên đã nhấn mạnh những nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ và nhấn mạnh sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau. Với các nước khác biệt về thể chế chính trị xã hội thì đây là nguyên tắc chỉ đạo lâu dài, là điều kiện để hai nước thúc đẩy quan hệ".
Có thể nói đấy là dấu mốc quan trọng để có những bước đi mạnh mẽ đến khó tin tiếp theo với hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhớ lại: "Dịp đó khi tôi cùng dự hội đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama, cuộc hội đàm có nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống lúc đó là ông Joe Biden. Cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cùng dự hội đàm với người đứng đầu Việt Nam nói chung, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, là điều rất đáng chú ý".
Chính Phó Tổng thống Biden đứng ra trực tiếp chiêu đãi Tổng Bí thư trong chuyến thăm. Trong cả cuộc gặp của Tổng thống Obama và chiêu đãi của Phó Tổng thống Biden, 2 nước đề cập quan hệ không chỉ trên khía cạnh chính trị mà còn kết nối văn hóa, kết nối giữa hiện tại, tương lại, quá khứ" - Đại sứ cho biết.
Ông Phạm Quang Vinh khẳng định: "Nhìn lại năm 2023 khi có chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, hai nước đưa quan hệ lên tầng nấc đối tác chiến lược toàn diện, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất lớn".
Dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, tháng 3/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Biden, trong đó hai bên đã bàn bạc thúc đẩy chuyến thăm của ông Biden để nâng cấp quan hệ.
Đến chuyến thăm tháng 9/2023 có mấy điểm cần chú ý: Chuyến thăm được thực hiện sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư với Tổng thống Biden, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ nhận lời mời và thăm Việt Nam cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản; trong chuyến thăm hai bên đã nâng cấp quan hệ 2 bậc, đưa quan hệ Việt – Mỹ lên ngang bằng với các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Chắc chắn phải coi trọng lời mời, chuyến thăm và quan hệ hai nước, thì Tổng thống Biden, trong bối cảnh có nhiều cam kết và hoạt động đối nội ngoại vẫn dành thời gian thăm Việt Nam, ví dụ như ông đã làm gọn chuyến thăm Ấn Độ, đổi kịch bản tham dự lễ kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 từ D.C. tới Alaska" - Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Chuyến thăm đó đã được Tổng thống Joe Biden nhắc lại trong lá thư chia buồn ông gửi tới Chủ tịch nước Tô Lâm khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam và đến thắp hương chia buồn với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 27/7.
"Tôi rất tự hào được đứng cùng Tổng Bí thư trong chuyến thăm tới Hà Nội năm trước và cùng nhau mở ra kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước" - ông Biden viết.
"Sự kiện đó là minh chứng cho khao khát chung của nhân dân hai nước chúng ta về hòa bình và thịnh vượng cho tất cả. Đó cũng là minh chứng của sự quyết tâm của Tổng Bí thư trong đưa quan hệ hai nước lên mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện.
Đất nước Hoa Kỳ sẽ không quên sự lãnh đạo này của Tổng Bí thư. Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, tự cường, và độc lập mà Tổng Bí thư đã cống hiến trọn cuộc đời của mình".
Nhìn lại tiến trình quan hệ Việt - Mỹ mà ông Biden nhắc đến, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói: "Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp lại Tổng thống Biden sau 8 năm, từ lúc ông là Phó Tổng thống và lẩy Kiều đón tiếp Tổng Bí thư, đến nay quan hệ thay đổi rất đáng kể".
Ông phân tích: Trong 10 năm qua hai bên đã chứng kiến các tổng thống thuộc cả 2 đảng của Mỹ đều đã thăm Việt Nam, năm 2016 là Tổng thống Obama, 2017 là Tổng thống Trump, 2023 Tổng thống Biden đến thăm, và đều gặp Tổng Bí thư, quan hệ hai nước được chỉ đạo ở cấp cao nhất. Khi quan hệ có đà phát triển, có tiếp xúc thường xuyên của lãnh đạo 2 nước, thấy rõ dấu ấn của Tổng Bí thư trong đó.
Tổng kết lại, 10 năm qua tạo cho Việt Nam đà tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế ở mức cao hơn, chất lượng hơn. Thế giới có nhiều chuyển đổi, nhiều thách thức, từ lạm phát, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhiều cơn gió ngược mà đặc biệt là Covid-19.
Trong bối cảnh đó, với con thuyền đối ngoại được Đảng Cộng sản chèo lái, đứng đầu là Tổng Bí thư, chúng ta vẫn nhất quán tinh thần độc lập tự chủ, chia sẻ lợi ích… và tinh thần đó được vận dụng uyển chuyển nhất quán trong đối ngoại Viêt Nam.
Đến nay vị thế chiến lược của Việt Nam ở mức cao hơn, thuận lợi hơn rất nhiều trong phát triển và bảo đảm an ninh của Việt Nam. Chúng ta làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt Lào, Campuchia, các đối tác khu vực ASEAN, các nước lớn, các đối tác chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Ấn Độ, tạo môi trường chiến lược mới, vị thế chiến lược mới của Việt Nam.
Chúng ta cũng ngày càng tham gia và khai thác tốt hơn việc hội nhập kinh tế ở mức cao hơn, sâu rộng hơn. 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP… thể hiện tâm thế mới, năng lực mới của nền kinh tế Việt Nam, để hội nhập với tiêu chuẩn khắt khe hơn, chất lượng hơn, tạo vị thế tốt hơn cho đất nước.
Việt Nam tham gia sâu hơn các cơ chế toàn cầu và khu vực, kể cả các vị trí lãnh đạo, từ Hội đồng Bảo an, các cơ chế cơ quan của Liên Hợp Quốc, là chủ nhà của các hội nghị cấp cao APEC 2017, ASEAN 2020, được đánh giá cao ở các thiết chế toàn cầu và khu vực, tạo nên những dấu ấn đối ngoại Việt Nam, vừa là tập thể, nhưng trong quan hệ Việt Mỹ có dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất rõ nét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.