Tổng cục Thể dục thể thao: Dùng xe công vượt mức quy định

Hoàng Nhật Thứ ba, ngày 14/11/2017 19:09 PM (GMT+7)
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy một số đơn vị quản lý và sử dụng xe ô tô dùng chung vượt định mức quy định. Ngoài ra, Tổng cục TDTT còn có nhiều khoản thu, chi chưa đúng quy định Nhà nước.
Bình luận 0

img

Kiểm toán Nhà nước kết luận Tổng cục TDTT để xảy ra một loạt các khoản thu, chi chưa đúng quy định Nhà nước. (Ảnh: I.T)

Thu, chi trái quy định

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành kết luận kiểm toán về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2016 của Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).

Theo đó, công tác giao dự án của Bộ VH-TT-DL cho Tổng Cục TDTT cơ bản đúng quy định, nhưng còn một số tồn tại như: Kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí hỗ trợ nhiệm vụ cấp cơ sở, kinh phí thông tin khoa học công nghệ không lập dự toán nhưng vẫn được Bộ VH-TT-DL giao là không đúng quy định về công tác lập dự toán, quy trình xét chọn đề tài, dự án và nhiệm vụ khoa học.

Cụ thể, dự toán thu của Tổng cục TDTT chỉ bằng 98,5% so với số ước thực hiện năm 2015 trong khi dự toán chi tăng tới 15,7%. Về nội dung chi, một số nội dung chi hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước đều tăng từ 19 - 20%.

Trong đó, kinh phí chi cho tiền ăn, tiền công, thuê chuyên gia và kinh phí phục vụ tập huấn cho vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) không cân đối với nhau. Điều này dẫn đến giao kinh phí tiền ăn, tiền công tăng so với dự toán năm 2015. Trong khi đó, kinh phí tập huấn vẫn giữ nguyên hoặc giảm dẫn đến thời gian tập huấn của VĐV, HLV so với kế hoạch ban đầu bị rút ngắn.

Đây là nguyên nhân làm giảm số dư kinh phí tiền ăn, tiền công tại các Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia chuyển năm sau lớn hơn 12,67 tỉ đồng và các đơn vị này sử dụng một phần chi cho các nội dung như: đi lại, ở, phục vụ tập huấn vận động viên, huấn luyện viên và chi quản lý hành chính.

Thêm vào đó, Tổng cục TDTT giao dự toán cho các đơn vị vẫn còn một số tồn tại như: Không căn cứ vào nhiệm vụ được giao và kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến giao dự toán thiếu kinh phí thường xuyên cho một số đơn vị như trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, tạp chí thể thao. Giao dự toán, thu, nộp ngân sách nguồn phí, lệ phí khác cho một số đơn vị như Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP. HCM, Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao nhưng hàng năm không có phát sinh.

Kết luận của KTNN có nêu: “Khi giao dự toán, Tổng cục TDTT chưa xem xét số dư năm trước chuyển sang còn tồn lớn để cân đối và điều chỉnh phù hợp với thực tế, dẫn đến các Trung tâm sử dụng nguồn kinh phí này sang chi quản lý hành chính, chi tiền ở, đi lại, phục vụ tập luyện cho vận động viên, huấn luyện viên do bị thiếu nhưng không có văn bản xin phép”.

Việc chi trả thưởng cho các VĐV, HLV, theo KTNN kết luận thời gian ban hành các quyết định thưởng còn chậm, một số giải thi đấu diễn ra từ tháng 4 đến đầu tháng 9.2016 nhưng đến tháng 12.2016 mới có quyết định khen thưởng dẫn đến việc chi trả thưởng chưa kịp thời.

KTNN kết luận: “Việc chi trả thưởng chậm dẫn đến chưa động viên, khuyến khích được tinh thần của các vận động viên, huấn luyện viên. Nguyên nhân do một số trưởng bộ môn cung cấp hồ sơ còn chậm, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Ngoài ra, thủ tục chi trả thưởng chưa chặt chẽ, thiếu xác nhận của các địa phương hoặc đơn vị quản lý, huấn luyện viên cơ sở”.

Qua kiểm toán cho thấy, chế độ tiền thưởng, tiền ăn, tiền công hiện tại còn thấp theo chế độ tại Quyết định số 32 ngày 6.6.2011 đến nay không còn phù hợp do bối cảnh kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, chỉ số giá tiêu dùng, mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng đều tăng.

Trong khi đó, chế độ chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, KTNN cho rằng cần phải được cơ cấu lại để mang tính động viên, khuyến khích phát triển thể thao ở cấp độ thế giới, châu lục và những môn thể thao trọng điểm.

Dùng xe công vượt mức

Kết luận nêu rõ, Tổng cục TDTT được giao 38 chỉ tiêu sử dụng xe ô tô, đến thời điểm kiểm toán năm 2016 đang sử dụng 36 xe, giá trị còn lại gần 8 tỉ đồng.

img

Việc sử dụng xe công ở một số đơn vị thuộc Tổng cục TDTT chưa đúng quy định. (Ảnh: NLĐ)

Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức cho thấy, một số đơn vị quản lý và sử dụng xe ô tô dùng chung vượt định mức quy định như Trung tâm thể thao Ba Đình: 1 xe, Văn phòng: 3 xe. Song số xe này đã hết giá trị ghi sổ kế toán.

Trung tâm thể thao Ba Đình cho Tổng cục TDTT mượn 1 xe từ tháng 5.2016, đến thời điểm kiểm vẫn chưa bàn giao trả lại cho trung tâm.

Còn Bệnh viện Thể thao Việt Nam, không theo dõi, quản lý 1 xe ô tô 4 chỗ trên sổ kế toán. Theo báo cáo, chiếc xe này được điều chuyển từ Khu liên hợp thể thao Quốc gia từ năm 2003 không có hồ sơ, vì vậy không có cơ sở để theo dõi tài sản cố định.

img

Tổng cục TDTT phải chỉ đạo Bệnh viện Thể thao chấm dứt việc thu dịch vụ khám chữa bệnh vượt mức quy định. (Ảnh: I.T)

Từ những nội dung đã nêu, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính theo kết luận, kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền hơn 26,6 tỷ đồng gồm nộp vào ngân sách nhà nước các khoản thế và thu khác do Kiểm toán Nhà nước xác định tăng là hơn 26,5 tỷ đồng; Ban hành quy định về điều kiện chi trả tiền thưởng cho huấn luyện viên cơ sở đảm bảo thuận lợi trong công tác kiểm tra và minh bạch trong quản lý.

KTNN cũng Chỉ đạo Bệnh viện Thể thao chấm dứt việc thu dịch vụ khám chữa bệnh vượt mức quy định đồng thời thực hiện xây dựng cơ cấu giá theo đúng lộ trình và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá theo quy định.

Các trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia chấm dứt việc sử dụng tiền ăn, tiền công, tiền thuê chuyên gia để chi hoạt động quản lý thường xuyên không đúng quy định…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem