Tổng cục Thi hành án dân sự: Cấm cán bộ "câu kết" với tổ chức thẩm định giá

Bách Thuận Thứ bảy, ngày 22/04/2023 19:00 PM (GMT+7)
Đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ tiêu 6 tháng cuối năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã nhắc nhiều đến các từ nghiêm cấm, tuyệt đối, kiên quyết ở một số vấn đề.
Bình luận 0

Tổng Cục trưởng yêu cầu kiên quyết loại bỏ điều gì? 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) vừa đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 với các đơn vị trong hệ thống.

Theo Tổng cục THADS, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác THADS 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ bước đầu đạt kết quả tích cực, trong đó kết quả thi hành xong về việc, về tiền đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có chuyển biến; một số vụ việc giá trị lớn, phức tạp, kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, công tác THADS trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều, tăng so với cùng kỳ, nhất là về tiền; kết quả của một số địa phương còn thấp; kết quả thi hành vụ việc tín dụng ngân hàng giảm so với cùng kỳ.

Vẫn còn sai sót, vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với một số nhóm việc, quy trình thi hành án (như thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; quản lý thu, nộp tiền thi hành án).

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan còn chưa sâu sát, quyết liệt, có nơi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm thời gian dài, nhưng Lãnh đạo Chi cục, Cục không kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, khắc phục, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc phát sinh trách nhiệm bồi thường, có trường hợp phải xem xét trách nhiệm hình sự.

Tổng cục Thi hành án dân sự: Cấm cán bộ "câu kết" với tổ chức thẩm định giá - Ảnh 1.

Đôn đốc nhiệm vụ với các đơn vị trong hệ thống, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái yêu cầu kiên quyết loại bỏ tư tưởng chạy theo thành tích, bỏ qua quy trình, thực hiện trái quy định của pháp luật. Ảnh: Bộ Tư pháp 

Quy trình kiểm tra đã được Tổng cục THADS quy định cụ thể, rõ ràng nhưng có nơi thực hiện chưa nghiêm, chưa tốt (nhất là tự kiểm tra),..

Những tháng cuối năm 2023 dự báo lượng việc và tiền phải thi hành án sẽ có xu hướng tăng; tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác THADS.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, Tổng cục THADS yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng cơ quan THADS mở đợt cao điểm về THADS.

Đối với Cục trưởng Cục THADS cấp tỉnh, rà soát toàn bộ nhiệm vụ năm 2023, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, phân tích làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó có giải pháp phù hợp cho từng nhiệm vụ.

Kiên quyết loại bỏ tư tưởng chạy theo thành tích, bỏ qua quy trình, thực hiện trái quy định của pháp luật, bảo đảm tổ chức cưỡng chế THADS khi đã thực hiện chặt chẽ, đầy đủ quy trình, quy định của pháp luật.

Đối với án đang thi hành, tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành của từng Chấp hành viên. Việc kiểm tra phải có phiếu kiểm tra, hướng khắc phục sai phạm (nếu có), dự kiến kế hoạch thực hiện thời gian tới. Trường hợp hồ sơ chậm thực hiện thì phải khắc phục ngay. Nếu cố tình vi phạm thì kiểm điểm xử lý nghiêm.

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Cục trưởng về kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên đối với án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong; định kỳ tổng hợp gửi báo cáo về Tổng cục THADS theo quy chế báo cáo. Thống kê chính xác vụ việc loại này, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp nhằm kéo giảm, thu hẹp dần lượng việc chuyển kỳ sau, nghiêm cấm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ".

Tổng cục sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bỏ hồ sơ, không tác nghiệp hoặc chậm thi hành án do nguyên nhân chủ quan của Chấp hành viên.

Tổng cục Thi hành án dân sự: Cấm cán bộ "câu kết" với tổ chức thẩm định giá - Ảnh 2.

Tổng cục THADS yêu cầu tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành của từng Chấp hành viên. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa/Cục THADS TP.HCM

Đối với án chưa có điều kiện thi hành, kiểm tra rà soát chính xác án chưa có điều kiện tại Cục. Rà soát kỹ các điều kiện để xác định án chưa có điều kiện, bảo đảm phân loại chính xác 100%. Các trường hợp phân loại chưa chính xác thì rà soát, điều chỉnh, thực hiện theo đúng quy định. Trường hợp cố tình làm không đúng thì xử lý nghiêm. Thực hiện xong trước 30/4/2023.

Đối với các vụ việc thuộc diện chủ động, thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, chỉ đạo Chấp hành viên định kỳ xác minh điều kiện thi hành án theo quy định.

Tuyệt đối không được để tình trạng án chưa có điều kiện thì không tác nghiệp. Trường hợp phát hiện đương sự có tài sản phải tổ chức thi hành ngay. Đối với các vụ việc đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, cần phối hợp với VKSND lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân xét miễn, giảm theo quy định.

Đối với các vụ việc đưa vào sổ theo dõi riêng, tiến hành kiểm tra chính xác tổng số việc, số tiền đưa vào diện theo dõi riêng tại đơn vị, bảo đảm việc đưa vào sổ theo dõi riêng được thực hiện đúng 100% theo quy định. Cập nhật diễn biến thường xuyên đối với loại án này.

Tiến hành công khai và chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện tác nghiệp theo quy định; các trường hợp biến động, thay đổi thì cần điều chỉnh ngay.

Đối với án đã thi hành xong, thực hiện kiểm tra rà soát, đưa vào lưu trữ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Nghiêm cấm tình trạng án chưa thực hiện xong đã đưa vào lưu trữ.

Đối với những vụ việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cần xác định ưu tiên tập trung chỉ đạo đối với những địa bàn có lượng án nhiều, những vụ việc có giá trị lớn, vụ việc trên 20 tỷ đồng và 3 năm chưa thi hành xong cần có kế hoạch cụ thể, tổ chức thi hành dứt điểm để nâng cao kết quả thi hành của loại việc này trong 6 tháng cuối năm, góp phần tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Cấm cán bộ "thông đồng, câu kết" với tổ chức thẩm định giá

Tổng cục THADS yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương,  Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chính trị, ưu tiên hàng đầu của toàn hệ thống.

Đối với công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm "thông đồng, câu kết" với tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản quá cao hoặc quá thấp không phù hợp với giá thị trường.

Tổng cục Thi hành án dân sự: Cấm cán bộ "câu kết" với tổ chức thẩm định giá - Ảnh 3.

Tổng cục THADS nghiêm cấm cán bộ "thông đồng, câu kết" với tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản quá cao hoặc quá thấp. Ảnh minh họa

Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan THADS phải bảo đảm kiểm soát đối với 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản; thực hiện rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục THADS, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá (nhất là hồ sơ pháp lý liên quan đến người thứ 3; tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…) dự liệu trước khả năng phải bàn giao được tài sản, không tùy tiện bán cho xong, cho được mà không lường trước hậu quả.

Hồ sơ chưa đúng, chưa đủ quy trình, thủ tục thì chưa tiến hành đấu giá. Cục trưởng, Chi Cục trưởng phải kiểm soát chặt chẽ nội dung này.

Đối với việc thu, chi tiền thi hành án, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Tổng cục THADS; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với công tác quản lý tài chính; thường xuyên, đột xuất kiểm tra quỹ tiền mặt, kiểm tra việc gửi tiết kiệm, gửi kho bạc, đảm bảo việc gửi tiền đúng quy định, không để xâm tiêu tiền thi hành án.

Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế kiểm tra trong thi hành án dân sự, trong đó chú trọng và tăng cường công tác tự kiểm tra, phúc tra trong nội bộ hệ thống, tránh hình thức, nhằm hạn chế vi phạm, thiếu sót xảy ra. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm do cố ý, có mục đích vụ lợi, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Trường hợp kiểm tra, tự kiểm tra không nghiêm túc, mang tính hình thức, để bỏ lọt vi phạm, sai phạm, Tổng cục sẽ xem xét trách nhiệm đối với Thủ trưởng đơn vị và trưởng đoàn kiểm tra.

Đối với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, giữ mối liên hệ thường xuyên với các cơ quan THADS địa phương, chủ động nắm bắt tình hình về những khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện những địa bàn có kết quả thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu hoặc quá trình tổ chức thi hành án có vi phạm, thiếu sót, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro phát sinh trách nhiệm bồi thường để tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục giải pháp tháo gỡ khó khăn; đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, thiếu sót.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem