Gần 120 nghìn doanh nghiệp mới và quay lại hoạt động, vượt số lượng rút khỏi thị trường

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 29/06/2024 10:24 AM (GMT+7)
Sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bình luận 0

Tổng cục Thống kê nhận định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khởi sắc hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới có những tín hiệu phục hồi tích cực. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo đó, trong tháng 6/2024, cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 143 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 85,6 nghìn lao động, tăng 19,1% về số doanh nghiệp, tăng 53,4% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 5/2024. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 13,1% về số doanh nghiệp, tăng 3,1% về số vốn đăng ký và giảm 17,6% về số lao động.

Gần 120 nghìn doanh nghiệp mới và quay lại hoạt động, vượt số lượng rút khỏi thị trường- Ảnh 1.

Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 (Ảnh: TN)

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 39,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2024 lên gần 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 71,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%. Bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024, Tổng Cục Thống kê cho biết có 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2024; 41,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt cùng kỳ năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý 2/2024 GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022, trong giai đoạn 2020 - 2024. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%, khu vực dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.

Gần 120 nghìn doanh nghiệp mới và quay lại hoạt động, vượt số lượng rút khỏi thị trường- Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. Nguyên nhân chính là do giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.

Trong mức tăng 0,15% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân sáu tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%).

Tổng cục Thống kê cũng báo cáo chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 2,64% so với tháng trước; tăng 18,26% so với tháng 12/2023; tăng 29,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 24,02%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2024 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem