Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, chỉ số giá điện tăng 10% làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. Vì vậy, việc tăng giá điện cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để làm sao phù hợp, hợp lý về mức độ và thời điểm. Điều này đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát, theo đại diện Tổng cục Thống kê.
Tăng giá điện cần có lộ trình, tránh tác động đến lạm phát
Cụ thể, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nêu rõ: Áp lực lạm phát được nhìn nhận đánh giá trên 2 góc độ là bên ngoài và xuất phát từ nội tại nền kinh tế.
Bà phân tích: Thời gian qua, lạm phát thế giới hạ nhiệt do nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Tuy vậy, xung đột giữa các quốc gia, bất ổn biển Đỏ làm gia tăng chi phí vận tải, rủi ro an ninh lương thực, an ninh năng lượng… gây sức ép tới giá nguyên liệu sản xuất của Việt Nam.
Trong nước, áp lực tăng giá không nhỏ. Giá gạo tăng là điển hình, Theo đó, nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, UAE, Malaysia, Hàn Quốc tăng tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng kéo theo giá gạo tăng trong nước tăng.
Cùng với đó, áp lực về giá năng lượng, điện là mặt hàng được sử dụng nhiều, quan trọng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh. Nếu chỉ số giá điện tăng 10% làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Về giá điện, dự kiến của các nhà chuyên môn cuối quý I và sang quý II/2024, việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN được Bộ Công Thương xem xét, cân nhắc. Điều này được đưa ra trong bối cảnh chi phí phát điện ngày càng tăng, giá các mặt hàng tăng, giá điện có thể sớm được điều chỉnh nhằm hỗ trợ tài chính cho EVN.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, năm nay EVN có thể tiếp tục tăng giá điện để đảm bảo biến động tăng chi phí đầu vào sản xuất điện. Thêm vào đó, thời tiết cực đoan khiến nhu cầu cho sản xuất tăng lên, nhu cầu điện tăng… Do đó, khó tránh khỏi việc EVN tăng giá điện.
Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát trong năm nay.
Theo đó, kịch bản 1, chỉ số CPI tăng 3,8%; Kịch bản 2, CPI tăng 4,2%; Kịch bản 3 tăng 4,5%.
Tổng cục Thống kê khuyến nghị, cần có kế hoạch, có lộ trình tăng giá điện,... cụ thể, phù hợp về mức độ và thời điểm để đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đảm bảo lưu thông hàng hóa như mặt hàng xăng dầu, đảm bảo đủ cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định về quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với nhiều đổi mới, trong đó đáng lưu ý cho phép điều chỉnh giá điện bình quân 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần trước đây. Quy định này, áp dụng từ ngày 15/5/2024.
Quyết định số 05/2024 nêu rõ giá điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng dựa trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.