Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: "Nguồn tin phản ánh của người dân là đáng tin cậy"
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh: "Nguồn tin phản ánh của người dân là đáng tin cậy"
Vũ Khoa
Thứ hai, ngày 10/04/2023 06:56 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết đã có hàng nghìn thông tin phản ánh qua đường dây nóng. Các hành vi chủ yếu được phản ánh bao gồm: bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không niêm yết giá và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,... diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, đối với công tác phòng, chống tiêu cực, sự đồng hành trong vai trò giám sát của người dân là đặc biệt cần thiết. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh xung quanh vấn đề này.
Xin Tổng cục trưởng cho biết, những nguồn tin phản ánh từ cơ sở đối với hành vi vi phạm kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng,...được kết nối như thế nào đến các lực lượng chức năng thuộc Tổng cục Quản lý thị trường và có độ tin cậy như thế nào?
- Bắt đầu từ cuối năm 2018, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức công khai đường dây nóng (0945.131.911 – năm 2018 và 1900888655 từ năm 2019 đến nay) hoạt động 24/7 nhằm mục đích tiếp nhận các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật; các thông tin phản ánh về đạo đức công vụ của công chức hành pháp.
Đến nay, qua đường dây nóng, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp nhận hàng nghìn thông tin phản ánh từ Nhân dân. Theo số liệu thống kê, riêng trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp nhận gần 1.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp phản ánh các hành vi có dấu hiệu vi phạm trên thị trường ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Các hành vi chủ yếu được phản ánh: bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không niêm yết giá và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
3 tháng đầu năm 2023, đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường cũng tiếp nhận gần 100 tin báo của người dân về các hành vi có dấu hiệu vi phạm trên thị trường. Tỉ lệ 100% các tin báo đủ yếu tố để tiến hành xác minh, cho thấy nguồn tin phản ánh từ nhân dân là rất đáng tin cậy.
Theo ông, vì sao khi các đường dây nóng được công bố đều nhận được sự ủng hộ của người dân?
Số lượng các cuộc gọi phản ánh tới đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường không ngừng tăng lên theo từng năm cho thấy sự tin cậy của người dân đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường. Đồng thời, người dân đã có ý thức hơn trong việc cùng chung tay với lực lượng chức năng trong việc tố giác các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Ngoài ra, các hoạt động vi phạm về hàng hóa gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Nên việc người dân phản ánh đồng nghĩa là họ đang tự đóng góp bài trừ hàng giả, hàng cấm hoặc kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân và cộng đồng.
Nhiều vi phạm được lực lượng Quản lý thị trường xử lý kịp thời
Ở chiều ngược lại, Tổng cục Quản lý thị trường có thực sự vào cuộc tiếp cận xác minh, phát hiện, xử lý theo nguồn tin phản ánh từ Nhân dân hay không?
- Tất cả các thông tin phản ánh qua đường dây nóng, Tổng cục Quản lý thị trường đều trực tiếp xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị thuộc lực lượng ở các địa phương để thẩm tra, xác minh. Trong đó, rất nhiều thông tin có tính chính xác cao mà lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời.
Một trong những vụ việc điển hình mà Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý từ tin báo qua đường dây nóng đó là chiều ngày 16/2/2023, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường TP. HCM đã đồng loạt tiến hành kiểm tra các địa điểm chứa trữ, kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm nằm trên địa bàn quận Gò Vấp thu giữ gần 40.000 sản phẩm hàng hóa là hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng có tổng giá trị gần 2 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn cao điểm về xăng dầu, Tổng cục Quản lý thị trường đã ghi nhận hàng loạt các tin báo liên quan đến cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bán hàng không đúng giá niêm yết… xử lý hàng chục vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực này.
Từ đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm
Được biết, bên cạnh đó vẫn còn một số vụ việc được phản ánh nhưng lực lượng gặp khó khăn trong quá trình xử lý, nguyên nhân từ đâu, thưa Tổng cục trưởng?
- Thực tế, tiến hành xác minh theo thông tin được cung cấp thì lực lượng Quản lý thị trường đôi khi gặp một số trường hợp đó là: Người vi phạm đã di chuyển khỏi địa điểm; thay đổi địa điểm kinh doanh; đóng cửa hoặc kinh doanh các mặt hàng không đúng với tin báo.
Quá trình từ khi tiếp nhận phản ánh, tiến hành xác minh vi phạm, bắt quả tang,...lực lượng luôn phải đảm bảo tính bảo mật, không để lọt lộ thông tin. Việc này thứ nhất nhằm giữ an toàn cho người phản ánh. Thứ hai là để tránh cho các đối tượng vi phạm biết trước rồi "đánh bài chuồn".
Tuy nhiên, do tính chất hoạt động chốc lát, các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái không ở quá lâu tại một địa điểm. Nên khi lực lượng Quản lý thị trường ập vào kiểm tra thì hiện trường đã không còn đúng như tin báo.
Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử
Hiện nay, hoạt động mua bán hàng hóa đã và đang phát triển rất mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử. Vậy Tổng cục Quản lý thị trường đề ra phương hướng ra sao để tiếp tục siết chặt hàng giả, hàng nhái lưu thông, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ trong Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử?
- Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 vừa chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023.
Để thực hiện tốt Đề án này, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử.
Trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân, đa dạng hóa công tác tiếp nhận phản ánh, tố cáo về hàng hoá vi phạm.
Đặc biệt là, phản ánh thông qua Cổng thông tin trực tuyến của Tổng cục Quản lý thị trường, tổng đài đường dây nóng, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ để nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm.
Nhìn xa hơn, Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho công chức Quản lý thị trường về thương mại điện tử. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.
Thứ ba, tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, việc nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội cũng rất cần thiết để sàng lọc. Từ đó, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.