Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, Tống Giang là một người đứng đầu của 108 vị anh hùng hảo hán Lương Sơn, thay trời hành đạo, hai lần đánh bại Đồng Quán, ba lần đánh bại Cao Cầu. Tuy nhiên, Tống Giang thật trong lịch sử có đúng như vậy không?
Nhân vật Tống Giang trong phim Tân Thủy Hử
Chống thuế, dấy binh khởi nghĩa
Truyện và phim Thủy Hử đều khắc họa đầy đủ, rõ nét 108 vị anh hùng Lương Sơn do Tống Giang đứng đầu, đây là điều mà ai ai cũng biết.
Trên thực tế, trong 100 cuộc khởi nghĩa nông dân thời Tống, cuộc khởi nghĩa do Tống Giang lãnh đạo cho dù về quy mô hay tác động đến nhà cầm quyền triều Tống đều rất nhỏ.
Khổng Đức Vũ là một chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu văn hóa Thủy Hử Lương Sơn trong nhiều năm. Ông cũng cho rằng, Tống Giang thực sự đã từng tổ chức khởi nghĩa, với ngòi nổ là nhà cầm quyền triều Tống đã lập ra chế độ sưu cao thuế nặng đối với ruộng đất của nông dân nhằm giải quyết khó khăn tài chính cho triều đình nhà Tống.
Chính quyền đã tuyên bố thu toàn bộ vùng nước 800 dặm Lương Sơn Bạc làm "của công", đồng thời đưa ra quy định: hễ người dân vào hồ đánh bắt cá, lấy ngó sen, cắt cây hương bồ (cỏ nến) thì đều phải nộp thuế nặng dựa trên kích cỡ của tàu thuyền.
Những người nông dân và ngư dân nghèo khổ ở vùng Lương Sơn Bạc không nộp nổi khoản thuế này, sự bất mãn tích tụ lâu dài cuối cùng đã bùng phát thành ngọn lửa.
Đến năm đầu tiên của Tống Tuyên Hòa (năm 1119 sau Công nguyên), nhóm người nông dân này đã chính thức tiến hành khởi nghĩa, Tống Giang chính là một thủ lĩnh nông dân trong số đó. Kết quả nghiên cứu của các nhà sử học có thể xác nhận, Tống Giang là người thôn Tống Gia, xã Thủy Bảo, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Nhân vật Tống Giang trong phim Thủy Hử của Trung Quốc. Ảnh: Sina.
“36 thủ lĩnh, vài vạn quân vô địch”
Tuy nhiên, căn cứ vào ghi chép của tư liệu lịch sử, cuộc khởi nghĩa nông dân do Tống Giang lãnh đạo có quy mô chỉ "36 người". Nhà nghiên cứu Khổng Đức Vũ cho rằng, số người được ghi chép chính thức này có thể cũng là 36 thủ lĩnh nông dân, và còn có những người đi theo khác. Nhưng, so với cuộc khởi nghĩa Phương Lạp cùng thời thì quy mô nhỏ hơn nhiều.
Ban đầu, khu vực hoạt động của đội quân nông dân này thực sự là ở Lương Sơn Bạc. Tuy nhiên, Lương Sơn thực ra không giống như ở giữa một vùng nước như trong truyện Thủy Hử, mà là vị trí rìa cực bắc của hồ nước. Mặt hồ chỉ cần vơi bớt là lộ ra những mỏm đá Lương Sơn. Nếu xung quanh Lương sơn không có hồ nước làm bình phong thì không có gì hiểm trở để phòng thủ.
Tài liệu cho biết, đầu năm Tuyên Hòa, Bắc Tống, Lương Sơn Bạc đã xuất hiện hiện tượng khô hạn, sơn trại lúc đó không còn bình phong, khó có thể chống cự được các cuộc tấn công của quan binh, do đó Tống Giang không thể không từ bỏ căn cứ địa Lương Sơn.
"Tống sử - Hầu Mông truyền" đã đề cập đến hoạt động sau khi Tống Giang rời Lương Sơn: "Tống Giang dọc ngang nước Tề, nước Ngụy với 36 người, quân số vài chục vạn không ai có thể chống lại, đây mới thực sự hơn người".
Không giao chiến chính diện với Cao Cầu
Trong truyện Thủy Hử, dưới sự lãnh đạo của Tống Giang, các anh hùng hảo hán Lương Sơn đã 2 lần đánh bại Đồng Quán, 3 lần đánh bại Cao Cầu... Còn đối với các nhà sử học, điều này đã thổi phồng quá mức đối với khả năng của Tống Giang. Nhà nghiên cứu Khổng Đức Vũ đã thống kê các quan chức triều Tống từng giao chiến chính diện với Tống Giang, chỉ có 4 người, hoàn toàn không có Cao Cầu.
Người thứ nhất là võ công đại phu Thiệt Khả Tồn. Trên mộ Thiệt Khả Tồn có ghi chép là sau khi trấn áp quân nổi dậy Phương Lạp, phụng mệnh đi bắt Tống Giang.
Người thứ hai là tri phủ Nghi Châu Tưởng Viên. Căn cứ vào ghi chép, khi ông làm tri phủ ở Sơn Đông, đúng vào lúc Tống Giang khởi nghĩa. Tưởng Viên dùng lực lượng mạnh để trấn giữ tuyến đường giao thông chủ yếu, Tống Giang không thể tiến được, bèn yêu cầu "mượn đường đi qua" ở đó.
Tưởng Viên giả vờ đáp ứng, có ý kéo dài thời gian, ngầm cử người bí mật trinh sát, thăm dò, phát hiện lực lượng của Tống Giang đã không có lương thực để ăn, nên đã tận dụng thời cơ để phát động tấn công mạnh mẽ, Tống Giang đại bại.
Người thứ ba là Vương Sư Tâm, chức vụ khi đó là huyện úy Thuật Dương, Hải Châu, từng tiến hành giao chiến kịch liệt với Tống Giang.
Người cuối cùng chính là Trương Thúc Dạ của Hải Châu. Trong ghi chép của "Tống Sử" do người triều Nguyên ghi lại, Trương Thúc Dạ đã đánh bại Tống Giang. Khi đó cách lúc Tống Giang phát động phất cờ khởi nghĩa chỉ có thời gian hơn 2 năm.
Trong truyện và phim Thủy Hử, Tống Giang bị vua ban cho rượu độc, tức là ban cho cái chết. Ảnh: QQ.
Kết cục của Tống Giang khác với truyện
Ấn tượng để lại trong lòng mọi người từ truyện Thủy Hử chính là mặc dù phản đối chính quyền, nhưng Tống Giang hoàn toàn không phản đối thiên tử (con trời, hoàng đế), cuộc khởi nghĩa của ông cuối cùng cũng là để "làm quan". Vì vậy, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng từng đánh giá Tống Giang "là phe đầu hàng".
Theo ghi chép của chính sử, sau khi đầu hàng, Tống Giang cũng thực sự đã bị chiêu an, đồng thời trở thành kẻ bị sai khiến để chinh phạt Phương Lạp.
Nhưng, sau thời thời Minh, Thanh ở Trung Quốc, việc Tống Giang có tấn công Phương Lạp hay không đã gây ra những cuộc tranh cãi. Đặc biệt là đến hiện đại, trong "Thiệt Khả Tồn mộ chí minh" được khai quật có viết: Thiệt Khả Tồn là người bắt được Tống Giang sau khi đã chinh phạt Phương Lạp thắng lợi trở về.
Ở phía nam thành Hải Châu có một ngọn núi nhỏ, giống như một con bạch hổ núp ở đó, nên nó được mọi người gọi là Bạch Hổ sơn hay núi Bạch Hổ. Phía bắc núi Bạch Hổ có một ngôi mộ được gọi là "mộ hảo hán". Người Hải Châu đời đời truyền tụng rằng: "Tống Giang hoàn toàn không phải đầu hàng, ông cùng 35 người khác là hảo hán Lương Sơn, đều bị Trương Thúc Dạ sát hại, được mai tán ở ngôi mộ này". Ở khu vực này còn có một bài thơ:
"Bạch bích hổ sơn âm
Phần chủng thảo mộc thanh
Vấn thị thùy gia mộ?
Lương Sơn hảo hán doanh".
Nội dung có thể dịch đại ý là:
Phía bắc núi Bạch Sơn
Mộ phần cỏ xanh tốt
Mộ phần nhà ai đó?
Mộ hảo hán Lương Sơn.
Đông Phong (Đời sống Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.