Theo văn bản này, năm 2016 sau khi nhận được đơn, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã tiếp người dân Đồng Tâm; đồng thời có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Người dân Đồng Tâm thả các chiến sĩ cơ động sau nhiều người nhốt giữ. (Ảnh: Tiến Nguyên)
Khi công dân có đơn khiếu nại lần hai, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo tình hình, diễn biến vụ việc. Trong đó, yêu cầu thành phố có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; giao Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc.
Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử một phó cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội; cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20.4 và sau đó tại xã Đồng Tâm ngày 22.4.
Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu khẳng định, sau khi Thanh tra TP Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử một phó cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 1.6 và ngày 7.6 vừa qua.
Hiện nay Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo dự kiến của Hà Nội, sẽ có kết luận trong tháng 7 tới.
Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của Dân trí, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định, trong hai năm 2015-2016, Ban Tiếp dân Trung ương đã 4 lần tiếp các đoàn khiếu nại, tố cáo của xã Đồng Tâm xung quanh các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, xây dựng lò gạch trên đất trồng lúa và cán bộ xã chiếm đất trường học.
“Lần gần nhất người dân Đồng Tâm tới khiếu nại tố cáo ở Ban Tiếp dân Trung ương là vào cuối năm 2016. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm, trả lời người dân”- ông Điệp nói.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24.4, trả lời PV, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng câu chuyện xảy ra ở Đông Tâm đã đặt ra nhiều bài học cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính người dân.
“Tôi nhấn mạnh là bài học cho cả hai phía người dân và cơ quan nhà nước. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, chắc chắn sẽ có nghiên cứu thận trọng để tổng kết, rút ra kinh nghiệm trong quá trình quản lý của mình được tốt hơn”- ông Khánh nói.
Mới đây nhất, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo Điều 143 Bộ luật Hình sự).
Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ án.
Vào cuối tháng 3.2017, Cơ quan CAĐT - CATP Hà Nội khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng xảy” ra tại xã Đồng Tâm, bắt giữ 4 người, trong đó có cụ Lê Đình Kình (82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã).
Ngày 15.4, người dân Đồng Tâm đã giữ 38 người tại Nhà văn hóa thôn Hoành, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ Công an Hà Nội. Đến 18/4, 15 chiến sĩ CSCĐ đã được bàn giao cho chính quyền, 3 người tự giải cứu.
Ngày 20.4, Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ cụ Lê Đình Kình.
Ngày 21.4, người dân Đồng Tâm thả ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức.
Ngày 22.4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về xã Đồng Tâm đối thoại với người dân xã này. Sau cuộc đối thoại, người dân Đồng Tâm đã thả toàn bộ 19 cán bộ chiến sĩ còn bị giữ ở Nhà văn hóa thôn Hoành.
|
Thế Kha (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.