10 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, cựu Tổng thống Richard Nixon đã viết cuốn hồi ký "No More Vietnam" (Không có thêm Việt Nam), thừa nhận những sai lầm và thất bại trong cuộc chiến. Theo Diplomat, hôm nay, người dân Việt Nam kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, từ ý nghĩa và quan điểm lịch sử, cuốn sách của Nixon đem lại một cái nhìn giá trị khác.
Cựu tổng thống Mỹ thừa nhận, họ đã quá ảo tưởng vào sức mạnh quân sự có thể chinh phạt mọi nơi. Ảnh: NBC News.
Đây là một trong số những cuốn sách mà cựu tổng thống Mỹ viết về các vấn đề quốc tế sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Hầu hết sách của ông được công bố gần thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ nhằm tạo ra những tác động về chính trị.
Tuy nhiên, No More Vietnam được công bố vào năm 1985. Thời điểm này không đem lại bất kỳ tác động về chính trị trong nước nhưng sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh, là cơ hội tốt để ông giãi bày những chỉ trích về cuộc chiến kéo dài 6 đời tổng thống Mỹ.
Cựu tổng thống mở đầu cuốn hồi ký bằng cách liệt kê 21 báo cáo sai sự thật về chiến tranh. Sau đó, Nixon đã lý giải, tại sao và làm thế nào Mỹ bước vào cuộc chiến. Cách Mỹ đạt được chiến thắng trong quân sự, sau đó sa lầy, hậu quả của sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam và những bài học đích thực trong chiến tranh.
Thuyết Domino hoang tưởng
Hàng nghìn lính Mỹ phải bỏ mạng nơi chiến trường để phục vụ cho ý tưởng chính trị hoang tưởng của giới cầm quyền Washington. Ảnh: NBC News.
Theo Nixon, sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2 đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện địa chính trị ở Đông Nam Á. Sự kết thúc quyền bá chủ của Nhật tạo cơ hội cho thực dân Pháp trở lại Đông Dương dẫn đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm kết thúc bằng thất bại của Pháp.
Cựu tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, Việt Minh thương vong nhiều hơn so với Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chiến dịch đã đánh bại ý chí của Paris. "Chiến tranh đã thất bại ngay ở nước Pháp hơn là trên chiến trường Việt Nam", Nixon viết trong hồi ký.
Cuốn hồi ký có một chi tiết khá thú vị, ở thời điểm đó, Nixon đã khuyên Tổng thống Eisenhower hỗ trợ Pháp chống Việt Minh. "Lựa chọn của chúng ta là giúp người Pháp ngay bây giờ hoặc phải tiếp quản gánh nặng mà họ để lại", Nixon đoán trước.
Thời điểm Pháp thất bại tại Việt Nam, chính quyền Truman và các đời tổng thống Mỹ tiếp theo đều tin rằng, chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ Việt Nam sẽ mở rộng sang Lào, Campuchia, Thái Lan và toàn Đông Nam Á.
Đó là một "thuyết Domino" được đề cập trong bản ghi nhớ của Hội đồng an ninh Quốc gia năm 1952. Nixon, khi đó là phó tổng thống Mỹ, đã chấp nhận giả thuyết và tìm cách củng cố lực lượng chính trị chống đối ở miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn hồi ký, tổng thống đời thứ 37 của Mỹ đã thừa nhận, thuyết Domino là "một sai lầm nghiêm trọng". Nó đẩy Mỹ vào những cuộc chinh phạt vô ích trong thế kỷ 20.
Nixon nhấn mạnh sai lầm của Mỹ khi thất bại trong việc ngăn chặn đối phương sử dụng lãnh thổ Lào và Campuchia để tiến hành chiến tranh tại miền nam Việt Nam. Trước đó, Tổng thống Eisenhower từng cảnh báo chính quyền Kenedy, Lào mới chính là chìa khóa trong quân bài Domino ở Đông Nam Á.
Nixon tin rằng, sai lầm lớn nhất của Mỹ là mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, họ cũng thất bại trong việc kiểm soát tình hình miền Nam. Điều đó kéo theo hàng loạt thất bại trong các quyết định chiến lược. Khi trở thành tổng thống Mỹ vào năm 1969, Nixon theo đuổi chính sách "rút lui trong danh dự" như một cứu cánh cho siêu cường số một thế giới.
Ông cho rằng, Hiệp định Paris năm 1973 là "một thắng lợi trong danh dự" của nước Mỹ. Nhưng, hậu quả trực tiếp từ thất bại ở Việt Nam trở thành nổi ám ảnh và thảm kịch đó đã đi cùng với những cuộc viễn chinh trong thế kỷ 20.
"Thất bại ở Việt Nam đã làm hoen ố lý tưởng của chúng ta, làm suy yếu tinh thần và ý chí", cựu tổng thống đã viết.
Đối với Nixon, cụm từ "No More Vietnam" có nghĩa là người Mỹ không nên tiếp tục phạm sai lầm, thực hiện chiến tranh ở những nơi xa xôi. Sức mạnh quân sự của Mỹ nên được sử dụng một cách khôn ngoan và có hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.