Tổng thư ký Báo Việt Weekly (California, Mỹ): “Đường về quê hương rộng thênh thang”

Mai Khuê (thực hiện) Thứ tư, ngày 29/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
"Kể từ sau năm 1995, việc bang giao giữa Mỹ và Việt Nam đã như một liều thuốc hồi sinh đối với việc hòa hợp dân tộc. Đã có những người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để thăm quê nhà, người thân..." - Etcetera Nguyễn - Tổng thư ký Báo Việt Weekly (California, Mỹ).
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, Báo NTNN và Báo điện tử danviet.vn trân trọng giới thiệu tới độc giả những bày tỏ sẻ chia của ông Etcetera Nguyễn - Tổng thư ký Báo Việt Weekly (California, Mỹ) trong lần trò chuyện mới đây của ông với PV tại quê hương Việt Nam.

Thưa ông, là một nhà báo Việt kiều sống và làm việc lâu năm ở Mỹ, ông nghĩ gì về quá trình, kết quả của vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc?

- Dấu mốc 30.4, ngày mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận định rằng "có triệu người vui, cũng có triệu người buồn", đối với những người từng làm việc dưới chế độ cũ đều gợi lại cảm giác thua cuộc, mất mát, chia lìa. Do đó, khi ra hải ngoại, họ mang nặng nỗi đau như một vết thương mà khi động đến dưới bất kỳ một hình thức, lý do gì, cũng dễ làm tổn thương.

img
Nhà báo Etcetera Nguyễn vẽ chân dung cho chiến sĩ hải quân trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa cuối tháng 4.2014. (ảnh E.N)
Nhưng thời gian là thước đo cho nhận thức của mỗi người liên quan đến một giai đoạn lịch sử. Kể từ sau năm 1995, việc bang giao giữa Mỹ và Việt Nam đã như một liều thuốc hồi sinh đối với việc hòa hợp dân tộc. Đã có những người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để thăm quê nhà, người thân. Đã có những lớp doanh gia đầu tiên về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn, giao thương. Hơn 20 năm qua, con đường trở về quê hương đã trở thành một đại lộ thênh thang không hạn chế bất cứ ai.

img
Nhà báo Etcetera Nguyễn tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa ngày 29.5.2014 trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, những thông tin tích cực từ Việt Nam đến được với Việt kiều còn khá hạn chế, đôi khi còn bị bóp méo, xuyên tạc. Trong mùa tranh cử, vẫn còn một số tổ chức chính trị câu kết với cơ quan truyền thông để thao túng… gây nhiều khó khăn cho tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Vấn đề "hòa hợp hòa giải dân tộc" là một quá trình dài, một nỗ lực bền bỉ của Chính phủ Việt Nam muốn người Việt hải ngoại hãy quên quá khứ để cùng nhau xây dựng đất nước. Đã có những thành công, nhưng vẫn cần có thêm thời gian để những việc làm, minh chứng cụ thể, thuyết phục hơn với người Việt hải ngoại.

Một bộ phận người Việt ra đi từ sau 30.4.1975 có lẽ luôn là trung tâm của nỗ lực hòa giải dân tộc, theo ông cần đặt ra như thế nào?

- Theo quan sát của tôi, ở hải ngoại, đại đa số người Mỹ gốc Việt chọn thái độ im lặng để sống yên ổn, hòa đồng vào xã hội. Con cái họ thành công, người già hưởng phúc lợi xã hội và có mối liên hệ với Việt Nam. Họ càng hiểu hơn khi tiếp cận với nhiều nguồn thông tin như mạng xã hội và đặc biệt giới truyền thông “trung gian” hoạt động song song với nền báo chí trong nước. Do đó, theo tôi, thông tin trực tiếp khách quan từ báo chí đã và sẽ góp phần tích cực và thuyết phục đối với tiến trình hòa hợp dân tộc.

Ông và tòa soạn của ông đã có những đóng góp nào cho tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc?

Quan điểm

Ông Etcetera Nguyễn
  Kể từ sau năm 1995, việc bang giao giữa Mỹ và Việt Nam đã như một viên thuốc hồi sinh đối với hòa hợp dân tộc. Đã có những người Mỹ gốc Việt về Việt Nam để thăm quê nhà, người thân. Đã có những lớp doanh gia đầu tiên về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn, giao thương. Hơn 20 năm qua, con đường trở về quê hương đã trở thành một đại lộ thênh thang không hạn chế bất cứ ai”. 
- Những bài viết, phóng sự, video của Việt Weekly về Việt Nam, đã được độc giả khắp nơi đón nhận, khen ngợi và động viên qua những nhận xét trên diễn đàn chung. Cũng có thời điểm Việt Weekly bị tẩy chay, triệt hạ ngay tại nơi tôi sống là ở Mỹ. Công việc của tôi gặp khó khăn gần như phải bỏ cuộc.

 

Ba tôi từng là một sĩ quan chế độ cũ, tôi đã vượt biên tị nạn tại Thái Lan, rồi định cư ở Mỹ từ năm 1991 đến nay. Tôi sống ở vùng “Little Saigon”, quận Cam, miền Nam California, nơi có trên nửa triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống, nơi có nhiều hội đoàn, có những quan điểm chính trị khác nhau. Nhưng nay, tôi cũng là một nhà báo tự do, đang hoạt động báo chí một cách hợp pháp tại Việt Nam.

Về Việt Nam làm phóng viên thường trú, trong hoàn cảnh khó khăn chưa sinh lợi từ công việc làm báo, tôi vẫn phải tìm cách mưu sinh cho chính mình. Ngoài việc làm báo, tôi kiếm thêm bằng việc vẽ chân dung ở hồ Gươm để kiếm sống và được sống, làm việc một cách tự hào ở chính quê hương mình. Tôi nhận những đồng tiền từ lao động nghệ thuật bằng trái tim, khối óc và bàn tay của mình.

Cũng như điều cốt lõi của Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài- "Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước"- tôi rất yên tâm làm việc để khi viết lên tâm tư của mình, không hề thấy hổ thẹn.

40 năm nhìn lại dấu mốc lịch sử 30.4, là một nhà báo ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú vị, thoải mái và hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weekly. Có thể nói, tôi là một trong những kết quả tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem