Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM cho biết, theo thông tin trao đổi từ Kho bạc Nhà nước TP.HCM, hiện thành phố có 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%.
Tính đến đầu tháng 2, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố đạt 71,3%, mặc dù cao hơn so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt như yêu cầu của Chính phủ. Lãnh đạo TP đã xác định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, kể cả chủ đầu tư, nhà thầu.
Theo ông Tuấn, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn ở mức thấp có nhiều nguyên nhân như do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu khan hiếm, giá nguyên vật liệu tăng cao…
Năm 2023, Chính phủ giao cho thành phố 70.000 tỷ, trong đó vốn địa phương là 55.000 tỷ. Đây là áp lực rất lớn đối với thành phố. Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công; gỡ vướng mắc ở từng vấn đề cụ thể, từ cơ chế chính sách đến chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn xem chậm ở khâu nào.
Hiện Sở KHĐT đang khẩn trương cùng các sở ngành góp ý dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, trong đó kiến nghị HĐND TP phân cấp cho UBND TP được quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Tiếp tục duy trì 3 tổ công tác lớn về đầu tư công; kiểm tra, giám sát tiến độ tại hiện trường, giao trách nhiệm cho từng đơn vị trong công tác triển khai, giải ngân; tập trung rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công 30% so với quy định…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.