TP.HCM: "Thần đồng" 4 tuổi đọc báo vanh vách

Chủ nhật, ngày 04/09/2011 16:22 PM (GMT+7)
Một đứa bé chưa đầy 4 tuổi nhưng đã có khả năng đọc sách báo vanh vách, những dãy số lên tới hàng chục triệu khiến ai nấy cũng phải trầm trồ thán phục...
Bình luận 0

8 tháng gần đây, kể từ khi vợ chồng anh Huỳnh Phú Cường và chị Nguyễn Thị Thanh chuyển đến ở số nhà 57/56/8 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM, khu trọ bỗng trở nên xôn xao. Con trai của họ, một đứa bé chưa đầy 4 tuổi nhưng đã có khả năng đọc sách báo vanh vách, những dãy số lên tới hàng chục triệu khiến ai nấy cũng phải trầm trồ thán phục. Bé Huỳnh Việt Tín – nghiễm nhiên được những người chung quanh yêu mến và gọi là “thần đồng”.

Bài test “thần đồng”

Thời gian qua, dư luận hết sức xôn xao bởi tần suất xuất hiện “thần đồng” Việt ngày càng nhiều với những chi tiết “vàng thau lẫn lộn”. “Thần đồng” 11 tuổi, bé Phạm Thanh Ngọc ở Di Linh, Lâm Đồng được bố mẹ xin cho học lớp 12 nhưng không đạt được điểm 5 cả môn Toán lẫn môn Tiếng Việt của bộ đề thi hoàn thành tiểu học năm học 2010-2011. Vì thế, khi hay tin thêm một “thần đồng” mới xuất hiện là bé trai Huỳnh Việt Tiến, chúng tôi đã nhanh chóng có mặt để kiểm chứng thực hư câu chuyện.

Trong một con hẻm nhỏ và quanh co, chúng tôi tìm đến nhà anh Cường – chị Thanh như lịch hẹn. Một đứa bé có khuôn mặt sáng, nụ cười lém lỉnh chào chúng tôi rất lễ phép và tự nhiên. Bước chân vào phòng, đưa cho bé Tín tờ Báo Năng lượng Mới, bé nhanh nhảu cầm lấy và bắt đầu trổ tài. Đọc tất cả các trang báo một cách thuần thục, không hề có va vấp, phân biệt được cả những ký tự khó như độ, phần trăm.

img
Mới chỉ gần 4 tuổi nhưng sở thích của bé Tín lại là đọc sách, báo

Khả năng đọc số của bé cũng siêu hạng chẳng kém. Mọi dãy số được viết ra, từ 1-8 chữ số đều được Tín đọc rõ ràng, mạch lạc như một phép lập trình được định sẵn. Đọc ngược, đọc xuôi những chữ số từ 1 đến 2.000 mà không hề lẫn lộn, bé Tín còn sở hữu một trí nhớ đáng khâm phục. Bé rất thích xem các chương trình tivi, nhất là các gameshow của VTV và có thể kể tên vanh vách những MC dẫn chương trình cũng như bắt chước phong cách dẫn chương trình của họ.

Bé Tín là một đứa trẻ rất đặc biệt, không thích xem các chương trình hoạt hình, ca nhạc như những đứa bé cùng trang lứa nhưng lại rất quan tâm đến các chương trình dạy học trên truyền hình như dạy tiếng Anh… và nhanh chóng “học lỏm” được những từ thông dụng mà không cần một ai bày vẽ.

Anh Huỳnh Phú Cường (sinh năm 1977), cha bé Tín kể: “Trong một lần chúng tôi về quê ở huyện Chợ Mới, An Giang để đến Ngân hàng Phát triển Mêkông trả nợ, bé Tín đã khiến những người chung quanh ngỡ ngàng khi đọc vanh vách các con chữ, con số lên tới hàng chục triệu trên các tấm bảng hiệu. Ngạc nhiên, người ta xúm nhau lại để yêu cầu bé đọc nhiều tờ báo khác nhau, viết ra những dãy số phức tạp gồm nhiều chữ số nhưng điều đó chẳng thể làm khó cháu. Ai nấy đều trầm trồ thán phục”.

Bất thường và dị thường

Trong thời kỳ mang thai bé Tín, chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1976) bị mắc bệnh bướu cổ khiến gia đình hết sức lo lắng. Đi siêu âm, bác sĩ nói rằng, thai đã lớn, đành phó thác cho ông trời quyết định.

Chị Thanh hồi tưởng lại: “Khi sinh bé Tín, tôi đẻ khó và phải sinh mổ. Lúc cháu chuẩn bị ra đời thì nằm ngang trong bụng mẹ, một trường hợp rất hiếm gặp”. Bé Tín ra đời trong niềm hân hoan của gia đình nhưng chờ mãi gần 2 năm bé Tín vẫn chưa biết đứng, không bập bẹ tập nói, không nhìn vào bất cứ ai. Nỗi lo về di chứng của căn bệnh bướu cổ khiến vợ chồng anh Cường – chị Thanh rất hoang mang. So với những bạn bè cùng trang lứa, bé Tín là một đứa trẻ chậm phát triển.

Giữa muôn trùng tuyệt vọng thì điều kỳ diệu đã xảy ra khi bé Tín tròn 2 tuổi. Bé tự động đứng dậy đi, biết đọc chữ, số mà chẳng cần ai dạy. Đến năm 3 tuổi thì những kỹ năng đọc chữ, dãy số của bé trở nên hoàn thiện như người lớn với cả những ký tự khó, những con số lên tới hàng chục triệu trở lại.

Chị Mai Thị Tuyết, thợ may ở gần nhà bé Tín không giấu giếm được sự ngạc nhiên: “Khả năng của bé Tín thực sự khiến tôi kinh ngạc. Gần 4 tuổi, bé đọc sách báo như người lớn một cách lưu loát. Mỗi lần sang nhà tôi, khi đứa con trai 9 tuổi của tôi đọc bài mà mắc lỗi, bé Tín lập tức phát hiện và chỉnh ngay. Thậm chí bé còn giúp con tôi làm toán nữa”. Bé Tín có một thời gian được đưa đến lớp “chồi” để học nhưng chỉ được khoảng 2 tháng thì phải đón về.

Anh Cường thở dài: “Ở lớp, bé chẳng chịu học chữ, chơi với bạn bè hay ca hát, không xem hoạt hình mà suốt ngày chỉ lấy sách, báo của cô giáo để đọc. Vì thế, chúng tôi lại phải đưa cháu về”. Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp của vợ chồng anh Cường – chị Thanh, chúng tôi chẳng thấy sự hiện diện của những đồ chơi trẻ con.

Hỏi ra mới biết, bé Tín chẳng ham thích chơi đồ chơi, suốt ngày chỉ thích nghịch điện thoại của bố, với khả năng nhắn tin văn bản rất chuẩn cũng như các thao tác trên bàn phím. Thực sự, những khả năng đặc biệt của đứa trẻ gần 4 tuổi này đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Lối đi nào cho tương lai của “thần đồng”?

Cuối năm 2003, Huỳnh Việt Tín chào đời, vay ngân hàng được một khoản tiền kha khá, đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn bắt tay vào việc nuôi heo để cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng trời không chiều lòng người, những đợt dịch bệnh xảy ra liên miên khiến heo chết hàng loạt. Kinh tế gia đình khánh kiệt, hai vợ chồng phải lên Sài Gòn để tìm kế sinh nhai và trang trải bớt nợ nần.

Anh Cường làm bảo vệ tại Công ty Việt Thắng ở đường Nguyễn Súy, quận Tân Phú với đồng lương còm cõi. Chị Thanh thì sáng bán vải từ chợ này đến chợ khác, chiều lại may thuê và mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 50-60 ngàn đồng, đó là chưa kể những lúc bán vải ế ẩm, lỗ vốn vì phải thuê chỗ bán. Thương con sáng dạ, thông minh nhưng đôi vợ chồng “lực bất tòng tâm” trong việc xác định phương hướng cho bé Huỳnh Việt Tín phát huy được những tố chất “thần đồng” trong một môi trường đào tạo phù hợp hơn.

Khoan nói về chuyện “thần đồng” trở thành “thiên tài” bởi đây là một câu chuyện khá xa xăm, nhưng với những đứa bé thông minh như Huỳnh Việt Tín, nếu được chăm chút kỹ lưỡng thì tương lai của em sẽ rất rộng mở. Anh Cường trầm ngâm: “Tội nghiệp cháu nó lắm. Biết cháu nó thông minh và có khả năng, vợ chồng tôi không muốn nó phải thiệt thòi. Nhưng hoàn cảnh gia đình như thế, biết xoay sở làm sao? Ngay cả một hộp sữa, một quyển sách đã khó mua, nói chi đến việc chọn trường này, lớp nọ”.

“Thần đồng” là một hiện tượng bí ẩn, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường giáo dục, sự đầu tư của gia đình hoặc các nguyên nhân khách quan khác. Những năm gần đây, khắp mọi miền đất nước xuất hiện rất nhiều những “thần đồng” – một khái niệm mà người ta dùng để chỉ những đứa bé có những khả năng đặc biệt. Nhưng sau vài lần được nhắc đến trên các trang báo, được nhiều người hiếu kỳ trầm trồ thán phục thì lại là một khoảng lặng rất đáng sợ. Người ta chẳng biết là các em làm gì, học ở trường nào và thành công ra sao.

Phải chăng, xã hội ta đang thiếu sự quan tâm nhất định khi chỉ “khơi” ra những “thần đồng” rồi để đấy khiến tài năng của các em bị thui chột, thay vì nhìn nhận khả năng thực sự, mở những trường lớp đặc biệt để các em phát huy tất cả tài năng của mình? Nếu được thế, chắc chắn những “thần đồng” Đất Việt sẽ không phải chịu cảnh… “sớm nở, vội tàn”!

Theo Petrotimes
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem