Khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng hoạt động (ngày 28/6), lượng hàng hóa thực phẩm được phân bổ về các chợ đầu mối khác như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức và Bình Điền.
Giá rau củ chợ đầu mối không tăng bất thường
Trước và sau khi có thông tin chợ Hóc Môn tạm ngưng, giá rau củ trên thị trường TP.HCM tăng rất nhanh. Khảo sát giá từ ngày 27 đến 29/6 cho thấy, giá rau được bán tại các chợ truyền thống đều tăng mạnh từ 25 -30%.
Thế nhưng, đối chiếu số liệu thực tế ngay tại chợ đầu mối Thủ Đức, sản lượng rau củ quả nhập về và giá cả các mặt hàng không hề gia tăng đột biến.
Ngày 26/6 tổng lượng rau củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức là 3.396 tấn. Sang ngày 27/6, tổng lượng rau củ quả là 3.574 tấn; tăng 5,2%.
Lúc 0h ngày 28/6, quyết định tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn có hiệu lực.
Ngày 28/6, Công ty quản lý, kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức thống kê, lượng rau củ quả về chợ giảm nhẹ; còn 3.519 tấn.
Sang ngày 29/6, tổng lượng rau củ quả về chợ tiếp tục giảm xuống; còn 3.345 tấn; giảm gần 5%.
Một số mặt hàng như cải tròn, cải ngọt, cải xanh, ớt hiểm do lượng hàng về ít nhưng sức mua tăng. Vì thế giá các mặt hàng này tăng từ 2.000-4.000 đồng/kg.
Cụ thể, cải ngọt từ 8.000 tăng lên 10.000 đồng/kg; cải xanh từ 12.000 tăng lên 14.000 đồng/kg; ớt hiểm từ 25.000 tăng lên 29.000 đồng/kg.
Ngược lại, nhiều mặt hàng khác giảm giá từ 2.000-5.000 đồng/kg, do lượng hàng về nhiều.
Cụ thể như, bầu từ 16.000 giảm xuống còn 13.000 đồng/kg; bí đao từ 18.000 giảm xuống 15.000 đồng/kg. Khổ qua giảm 2.000, còn 14.000 đồng/kg.
Giảm nhiều nhất là cải bó xôi từ 25.000 xuống còn 20.000 đồng/kg và dưa leo từ 16.000 xuống còn 11.000 đồng/kg.
Riêng mặt hàng trái cây, giá bán những ngày qua không biến động.
Bà Trần Ngọc Vân, người dân sống ở TP.Thủ Đức cho biết, việc rau củ tăng giá tại các chợ truyền thống khiến nhiều người dân thêm lo lắng.
"Dịch dã đã khó khăn, thực phẩm còn tăng giá chỉ khổ cho người nghèo", bà Vân nói.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, việc tăng cường công tác phòng chống dịch tại các chợ là cần thiết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Việc kiểm soát, cách ly người đến và về từ một số chợ trên địa bàn cũng ảnh hưởng nhất định đến cung ứng thực phẩm. Trong đó có lượng lớn rau củ từ tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên theo ông Phương, giá cả hàng hoá tăng hay giảm chủ yếu là do quy luật cung - cầu quyết định.
Sở Công Thương khuyến khích các thương nhân áp dụng các hình thức kết nối, giao dịch, bán hàng trực tuyến. Tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ các địa phương đến thẳng các chợ lẻ, thay vì tập kết và phân phối hàng hóa thông qua các chợ đầu mối.
Sở cũng đề nghị các Phòng Kinh tế quận, huyện tăng cường công tác theo dõi sát sao, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường. Đồng thời, kiên quyết xử phạt các hành vi đầu cơ, nâng giá, bán hàng không niêm yết, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành lân cận giải quyết ách tắc trong khâu vận chuyển thực phẩm, bổ sung thêm nguồn cung từ các tỉnh thành khác để góp phần bình ổn giá mặt hàng rau củ ở TP.HCM.
Lượng thịt heo giảm mạnh
Với thịt heo, nguồn cung heo hơi từ tỉnh Đồng Nai về TP.HCM giảm mạnh.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho biết, lượng heo cung cấp cho TP.HCM trung bình từ 3.000-4.000 con/ngày đêm .
Do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện nay lượng heo từ Đồng Nai đưa về giảm gần 1 nữa, chỉ còn khoảng hơn 2.000 con heo/ngày đêm.
Tuy nhiên, theo ông Giang, hoạt động kinh doanh, mua bán heo hơi giữa 2 tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Lượng heo giảm do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm vì ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo nhập về chợ Hóc Môn trong 2 ngày qua duy trì ổn định ở mức 1.820 con. Tại chợ Bình Điền là 1.600 con.
Theo Hiệp hội, do một số chợ truyền thống bị đóng cửa nên giá heo tại chợ đầu mối giảm mạnh vào cuối buổi giao dịch.
Hiện tại giá heo hơi tại Đồng Nai đã giảm mạnh, duy trì mức trên dưới 60.000 đồng/kg.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.