TP.HCM cần nghị quyết mới để khai thông nguồn lực phát triển

Bạch Dương Thứ tư, ngày 06/07/2022 15:15 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khoá X ngày 6/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, TP.HCM cần có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bình luận 0
TP.HCM cần nghị quyết mới để khai thông nguồn lực phát triển - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng. Ảnh: Thành Nhân

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết 54 có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, một số nội dung còn chậm so với dự kiến, nguyên nhân do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Cùng với đó, trong 2 năm đầu kể từ khi Nghị quyết 54, TP.HCM đã triển khai rất quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Sau đó, TP.HCM bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Trước tình hình này, TP.HCM đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai khẩn trương "nhiệm vụ kép" vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, mặc dù TP.HCM đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất này. Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi.

TP.HCM chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TP.HCM. Do đó, TP.HCM chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

TP.HCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Điều này dẫn đến TP.HCM chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù (giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao...).

Đồng thời, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Theo bà Phan Thị Thắng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TP.HCM trong giai đoạn tới.

Tại kỳ họp, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, cử tri và nhân dân TP.HCM cũng bày tỏ sự quan tâm và lo lắng trước những biến động giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu tăng đột biến đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vận tải hàng hóa và ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận nhân dân và người lao động thu nhập thấp; thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại TP.HCM...

Từ đó, cử tri kiến nghị sớm đưa vào vận hành Trung tâm đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư và trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, trước mắt là thuốc theo diện bảo hiểm y tế; thực hiện ngay việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đường vành đai 3, các tuyến đường kết nối TP.HCM với vùng kinh tế phía Nam, vì sự phát triển của thành phố, vì cuộc sống người dân thành phố.

TP.HCM cần nghị quyết mới để khai thông nguồn lực phát triển - Ảnh 3.

Lãnh đạo TPHCM trao đổi tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khoá X. Ảnh: Thành Nhân

"Hiện dư luận nhân dân thành phố băn khoăn khi các chỉ số đánh giá của TP.HCM không cao như kỳ vọng. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), TP.HCM đứng thứ 46/63 tỉnh thành; chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) đứng thứ 23/63 tỉnh thành và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 14/63 tỉnh thành. Cử tri đánh giá, TP.HCM có xu hướng tụt hậu so với các tỉnh, thành phố khác, trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng đều nằm trong top 10", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết.

Để hoạt động của chính quyền đô thị TP.HCM có hiệu quả, nâng cao được các chỉ số thì UBND TP.HCM cần chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, UBND các cấp tập trung triển khai ngay chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với các dữ liệu liên quan đến các cơ quan hành chính, trên cơ sở thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn TP.HCM phải thực hiện cải cách quyết liệt thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính với nhau, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh, tối ưu hóa quy trình giải quyết tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem