TP.HCM đối diện nguy cơ dịch chồng dịch, thiếu thuốc, thiếu nhân lực y tế
TP.HCM đối diện nguy cơ dịch chồng dịch, thiếu thuốc, thiếu nhân lực y tế
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 06/07/2022 10:08 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã thẳng thắn chỉ rõ 3 nguy cơ lớn của ngành y tế TP.HCM hiện nay: Dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP, đại dịch Covid-19 chưa được công bố chấm dứt. Tổ chức Y tế thế giới thông báo số ca mắc mới và tử vong đều tăng trong tuần qua, tương ứng với các biến thể phụ BA.4, BA.5.
Mới đây, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới, ca nặng bắt đầu có dấu hiệu tăng. Ngày 4/7, Viện Pasteur TP. HCM đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi). Tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố.
Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây. Có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Như vậy, tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua nhưng do các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới nên nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP.HCM đang tăng, số ca mắc đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn).
Tại TP.HCM, số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất là: Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình.
Với tình hình trên, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh với số ca mắc tăng, số ca nặng tăng và số tử vong tăng nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay từ bây giờ.
Ông Thượng nhấn mạnh: "Giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định cả 2 dịch bệnh này đều có giải pháp phòng ngừa, vấn đề là làm thế nào công tác phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ hơn, đồng bộ hơn". Theo đó, cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) tại các điểm tiêm trong cộng đồng, các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà.
Triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết đến từng hộ gia đình. Cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, và rất cần phát huy bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo thành phố đối với Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 áp dụng vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết. Sẵn sàng tái hiện các bài học kinh nghiệm về tính sáng tạo và hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khi cần thiết.
Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế
Trước tình hình thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện, ông Thượng cho rằng, việc thiếu các thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến là không thể chấp nhận được vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia BHYT.
Theo Giám đốc Sở Y tế, thiếu các thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện, tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa. Triển khai giải pháp chủ động để ngăn chặn nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm là trách nhiệm của mỗi bệnh viện, của ngành y tế thành phố và nhất là của Bộ Y tế.
Ông Thượng chỉ rõ thiếu thuốc do một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống, chưa chọn lựa được thuốc khi đấu thầu tập trung.
Giám đốc Sở Y tế TP cũng phân tích các nguyên nhân thiếu thuốc nằm ngoài khả năng của hệ thống y tế TP.HCM: Một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,… Một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus); Một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán. Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến và cần được Bộ Y tế cấp phép kịp thời. Một số thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn kịp thời.
Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hoá của ngành y tế. UBND TP cần có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh.
Sở Y tế thành lập Tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc. Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập
Sau dịch Covid-19, toàn quốc đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Tại TP.HCM, năm 2021 có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc , trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, cần triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã; nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng; kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện. Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.