Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố cùng các sở ngành, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng cấp phép giảm 63%; thủ tục để được công nhận chủ đầu tư dự án giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm,…
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn hơn nếu không có giải pháp để cải thiện. Ảnh: V.D
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết hiện nay nhiều dự án bất động sản đang đứng trước tình trạng bị ách tắc, không được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, khiến doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Môi trường kinh doanh không minh bạch dẫn đến tăng sự rủi ro cho doanh nghiệp do nhiều dự án bị xem xét xử lại, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản.
Theo HoREA, nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế “xin - cho”, tiêu cực.
Còn nguyên nhân chủ quan là do công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu quả. Có một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; có dấu hiệu nhũng nhiễu, hành doanh nghiệp.
Từ đó, HoREA kiến nghị Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM cùng các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với các dự án đang bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra. Bởi nếu quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.
Tại buổi họp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các sở, ngành liên quan đến các dự án cần có văn bản trả lời cụ thể, công khai cho các doanh nghiệp. Những vấn đề thuộc sở ngành, quận, huyện thì đơn vị đó giải quyết, thuộc thẩm quyền của Thành phố sẽ do thành phố giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền của bộ, ngành trung ương, thành phố sẽ kiến nghị giải quyết.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng TP phải công khai pháp lý dự án quản lý theo thẩm quyền để người dân, doanh nghiệp biết. Sắp tới thành phố sẽ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các sở ngành, tiếp đến là sở ngành với doanh nghiệp.
Trước đó, HoREA đã có kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án bị “ách tắc” chờ rà soát, thanh tra nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công. Bởi, nếu quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho người mua nhà, bất lợi cho thị trường bất động sản và làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, nguồn thu ngân sách của TP.HCM đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5% và hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 49% so với cùng kỳ năm trước.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.