TP.HCM: Cẩn thận lừa đảo chuyển tiền mua thực phẩm
TP.HCM: Cẩn thận lừa đảo chuyển tiền mua thực phẩm
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 25/08/2021 07:36 AM (GMT+7)
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng. Do đó, người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội liên hiệp Phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký đi chợ hộ.
Sau hai ngày TP.HCM đồng loạt triển khai đi chợ hộ, người dân không trực tiếp đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu mà thông qua các đoàn thể địa phương, Sở Công Thương TP.HCM đã có thống kê nhanh về nhu cầu cũng như những khó khăn đầu tiên gặp phải.
Sở Công Thương cho biết, ngày 24/8, TP có 74.033 hộ dân đăng ký đơn hàng (tăng 50.385 hộ so với hôm trước), trên tổng cộng gần 2,2 triệu hộ dân toàn TP. Ngoài ra, có 274.633/590.859 hộ dân đăng ký túi an sinh.
Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trên tổng số 74.033 đơn các hộ đăng ký trong ngày, giảm 6,8% so hôm qua. Số đơn còn lại sẽ được các hệ thông phân phối trong hôm nay.
Toàn thành phố chỉ còn 2.302 điểm bán hàng, giảm 699 điểm bán so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội đặc biệt từ ngày 23/8. Cụ thể, chỉ còn 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã kết hợp với một doanh nghiệp mở 1 siêu thị thông minh, không người bán hoạt động, thanh toán không tiếp xúc tại phường Cô Giang, quận 1.
Hiện TP.HCM đang siết chặt các biện pháp phòng dịch Coid-19, mọi hoạt động mua thực phẩm và nhu yếu phẩm đều được lực lượng đi chợ hộ hỗ trợ, nên đối tượng mua hàng tại điểm bán tự động này là lực lượng công an, quân đội, Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương. Hàng hóa sau đó được phân phối đến tay người dân đã đăng ký. Mô hình này được triển khai tới hết thời gian giãn cách.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong hai ngày đầu triển khai, cũng có một số khó khăn như người dân phản ánh giá combo cao. Nguyên nhân là có một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, dẫn đến giá cả khác nhau. Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị combo lại cho phù hợp.
Ngoài ra, Sở cũng cho biết đã có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng. Do đó, người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội liên hiệp Phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký đi chợ hộ.
Trước đó, bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart Siêu thị Sài Gòn (quận 10) cũng cho biết, hiện doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở đường link nào khác trên mạng để tránh bị lừa.
Theo quy định mới của UBND TP.HCM, từ ngày 23/8, người dân "ai ở đâu ở yên đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp.
Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện thông qua phương thức đi chợ hộ do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Tổ dân phố…), lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất một lần một tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.