Trần Đáng
Thứ tư, ngày 28/09/2022 10:11 AM (GMT+7)
TP.HCM đã ban hành Quyết định 545 về tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường chăn nuôi, hướng bền vững.
Tại TP.HCM, thời gian qua, nghề chăn nuôi heo đã chuyển dịch từ các quận ven nội thành ra các huyện ngoại thành, chủ yếu tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn.
Thiếu hầm biogas trong chăn nuôi heo
Một cuộc khảo sát 500 hộ chăn nuôi heo tại huyện Hóc Môn của ThS. Bùi Hồng Ngọc, Giảng viên Khoa Kinh tế (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) về xử lý chất thải cho thấy, chỉ có 191/500 hộ có xử lý chất thải chăn nuôi heo.
Cụ thể, trong 191 hộ chăn nưôi heo có xử lý chất thải chăn nuôi lựa chọn nhiều loại công trình xử lý chất thải, như: Công nghệ ép, tách phân; ủ phân hữu cơ; đệm lót sinh học; xử lý bằng men sinh học và hầm biogas. Trong các hình thức xử lý này, số hộ sử dụng phương pháp ủ phân sinh học chiếm cao nhất, hơn 66% số hộ.
Theo đánh giá của ThS. Hồng Ngọc, số hộ chăn nuôi heo ở Hóc Môn chọn phương pháp hầm biogas khá thấp khi xét đến những lợi ích hầm biogas mang lại, như: Chuồng trại chăn nuôi trở nên sạch sẽ; xử lý được phân và nước thải, giảm mùi hôi, thối; giảm thiên tai và hiệu ứng nhà kính…
"Đầu tư làm hầm biogas không chỉ giúp xử lý môi trường trong chăn nuôi heo mà còn mang lại nhiều lợi ích khác", ThS. Hồng Ngọc đánh giá.
ThS. Mai Quang Hợp, Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết, chỉ có 40% hộ chăn nuôi heo ở TP.HCM áp dụng công trình xử lý chất thải, nhưng các biện pháp áp dụng công nghệ sinh học hay các công nghệ hiện đại không có nhiều khác biệt với các phương pháp truyền thống.
"Nếu xử lý môi trường chăn nuôi heo bằng hầm biogas, đệm lót sinh học, công nghệ ép, tách phân sẽ tạo lợi ích kép cho bà con nông dân, như: giải quyết vấn đề chất thải, không làm ảnh hưởng môi trường sống và tận dụng chất thải tạo nhiên liệu, phế phầm phục vụ sinh hoạt và tái sử dụng trong trồng trọt", ThS. Hợp cho biết.
Chăn nuôi heo hướng "xanh", bền vững
Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, tính đến tháng 6/2022, TP.HCM có tổng đàn heo hơn 160.000 con, sản lượng thịt hơn 15.800 tấn.
Được biết, Ban Quản lý Dự án Lifsap đã hỗ trợ 644 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi tại các huyện Củ Chi và Hóc Môn. TP.HCM đã hình thành 2 vùng chăn nuôi VietGAHP tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. Xây dựng 27 chợ truyền thống trên địa bàn TP đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
Theo QĐ 545, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ chăn nuôi heo được chứng nhận VietGAHP tại TP.HCM đạt 90 - 95%, phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bao, gồm: Lập hồ sơ pháp lý về môi trường trước khi đầu tư xây dựng, trong quá trình hoạt động thực hiện việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh, như: Xây dựng hầm biogas...
Bên cạnh đó, 100% các hộ chăn nuôi heo tập trung theo phương thức chăn nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao đồng bộ, đảm bảo an toàn sinh học, quy trình VietGAHP trở lên.
Theo ThS. Hợp, để ngành chăn nuôi heo hướng đến "xanh", bền vững, TP.HCM cần xây dựng tiêu chuẩn, quy định chi tiết vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi. Cùng với đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định về môi trường trong chăn nuôi. Việc xây dựng các khu xử lý chất thải chăn nuôi phải được xem là yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở chăn nuôi.
ThS. Hợp đề xuất, TP.HCM cần hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ sở chăn nuôi để khuyến khích các cơ sở xây dựng các khu xử lý chất thải đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn…
Thực tế cho thấy, những nỗ lực hỗ trợ thời gian qua của ngành nông nghiệp, của UBND TP đã chứng minh rõ rệt việc cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi nông hộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.