TP.HCM chạy đua phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở

Gia Linh Thứ hai, ngày 06/01/2025 12:26 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025. Như vậy, thành phố phải gấp rút tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án để cải thiện nguồn cung nhà ở.
Bình luận 0

TP.HCM tìm giải pháp phát triển nhà ở

Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM 2021-2030, giai đoạn năm 2021-2025, thành phố cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người phải đạt là 23,5 m2. 

Điều đáng nói, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 12/2024, TP.HCM chỉ mới phát triển được gần 28,87 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 22,6 m2 một người.

Được biết, tháng 8/2024, UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025. Như vậy, trong năm nay, thành phố phải tìm giải pháp để phát triển hơn 11 triệu m2 sàn nhà ở.

Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay thành phố đã đặt mục tiêu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên từ tháng 4/2024 đến hết nhiệm kỳ năm 2025. Như vậy, TP.HCM phải phát triển thêm 11,13 triệu m2 sàn. Vấn đề này là yêu cầu và thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi thành phố cần phải đề ra các giải pháp để quyết liệt hơn để hoàn thành mục tiêu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)cho rằng để thực hiện mục tiêu trên thì việc gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản trên địa bàn đóng vai trò quan trọng.

TP.HCM chạy đua phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở- Ảnh 1.

UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025. Ảnh: Gia Linh

Theo đó, nhiều dự án tại TP.HCM đang ách tắc trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Ngoài ra, các vướng mắc pháp lý về quỹ đất, đấu thầu, tiền sử dụng đất… khiến loạt dự án bị "bất động".

Cụ thể, HoREA cho hay hiện nay giai đoạn 2015-2023 thành phố chỉ có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Thực tế, thành phố chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện có quy mô sử dụng đất là 3.425.817,5m2 (342,58ha) với 41.637 căn nhà gồm 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.

Đáng chú ý, TP.HCM có tới 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (dự án tồn kho) bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất lên đến 2.103.082,4m2 (210,30ha) với 21.676 căn nhà gồm 18.826 căn hộ và 2.850 nhà thấp tầng.

TP.HCM chạy đua phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở- Ảnh 3.

TP.HCM phải chạy đua phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở trong năm nay. Ảnh: Gia Linh

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng 86 dự án này tồn kho do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do vướng mắc pháp lý, với hệ thống các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới. Điều đáng nói, 86 dự án tồn kho dẫn đến hệ quả là có đến 86 chủ đầu tư rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bị mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn mà nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội.

Quyết liệt gỡ vướng các dự án nhà ở đang tồn đọng

Liên quan đến vấn đề nhiều dự án đang bị tồn đọng, báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ năm 2021 tới nay, thành phố đã chủ động thành lập nhiều Tổ Công tác để thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng.

Bước đầu, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng đã được tháo gỡ, hoàn thành đưa vào sử dụng, thi công trở lại hoặc đã giải quyết các tồn tại cũ để sẵn sàng lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Song song đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện và cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát tổng thể các công trình, dự án tồn đọng thuộc 5 nhóm để tìm cách xử lý.

TP.HCM chạy đua phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở- Ảnh 4.

Việc xử lý các dự án tồn đọng đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở của thành phố. Ảnh: Gia Linh

Tính đến ngày 25/12/2024, thành phố có 12 công trình, dự án tồn đọng cần kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết. Đối với 9 dự án đầu tư, mỗi dự án có khó khăn, vướng mắc khác nhau nhưng đều là các vướng mắc vượt thẩm quyền đã được thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương giải quyết, hiện đang trong quá trình chờ kết quả giải quyết của các cơ quan Trung ương.

Đối với 3 tài sản công, đây là các tài sản công do các cơ quan trung ương quản lý, thuộc diện sắp xếp, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quá trình xử lý bắt buộc phải có ý kiến của các Bộ để giải quyết theo quy định.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết đối với 6 dự án tồn đọng mà TP.HCM quan tâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giải quyết; trên cơ sở các ý kiến của các Bộ ngành, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để ban hành trước ngày 15/1. Từ đó, cùng với Nghị quyết 40 của Chính phủ, Nghị quyết 198 của Quốc hội, TP.HCM xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Ngoài ra, liên quan đến 200 dự án mà TP.HCM đã thống kê, Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung phân loại và đề xuất phương án xử lý theo các quy định pháp luật mới ban hành và theo thẩm quyền. Đối với những dự án còn vướng vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ xem xét.

Đối với 32 dự án bất động sản, phân loại theo hướng những vấn đề có tiền lệ thì xử lý theo tiền lệ; những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý; những vướng mắc liên quan pháp luật thì tổng hợp, trình Quốc hội xem xét; những vấn đề chưa có quy định thì đề xuất ban hành quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem