Nghệ nhân Đờn ca tài tử được hưởng trợ cấp theo quy định
TP.HCM: Chưa có nghệ nhân Đờn ca tài tử được hưởng trợ cấp theo quy định
Quang Phương
Thứ năm, ngày 04/03/2021 06:20 AM (GMT+7)
Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM cho biết, có hàng nghìn người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật Đờn ca tài tử nhưng hiện tại chưa có nghệ nhân nào được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.
Trong báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL, ký ngày 1/3), Sở VH&TT TP.HCM cho biết: Theo kết quả kiểm kê năm 2020, TP.HCM có 292 câu lạc bộ, đội nhóm Đờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên 3.071 người. Trong đó có 4 Nghệ nhân ưu tú, 2 Nghệ nhân nhân dân hoạt động trong lĩnh vực Đờn ca tài tử được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu trên vào năm 2019. Trước đó, năm 2018, TP.HCM có 118 câu lạc bộ với tổng số thành viên hơn 2.000 người. Đến năm 2019, TP.HCM có 117 câu lạc bộ với tổng số thành viên 2.092 người.
Theo đánh giá của Sở VH&TT TP.HCM, hoạt động Đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM không những tăng về số lượng mà còn được nâng cao về chất lượng, không ngừng mở rộng đến nhiều đối tượng tham gia khác nhau như học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức. Phạm vi thực hành được nhân rộng đến từng phường, xã và tại quận Bình Tân mà còn nhân rộng đến cấp khu phố.
Các câu lạc bộ, đội nhóm đều duy trì sinh hoạt đều đặn định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Một số câu lạc bộ điển hình như: CLB Đờn ca tài tử Nguyễn Du (Quận1), CLB Đờn ca tài tử Quận 9, CLB Đờn ca tài tửu huyện Hóc Môn, CLB Đờn ca tài tử huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh…
Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết, từ khi nghị định của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ban hành (năm 2015), Sở VH&TT TP.HCM đã tiến hành rà soát, thu thập thông tin của các nghệ nhân để thực hiện. Tuy nhiên, qua kết quả thu thập được thì trên địa bàn TP.HCM không có nghệ nhân nào đáp ứng được tiêu chí để hưởng hỗ trợ.
Trước thực tế đó, Sở VH&TT TP.HCM đã có đề xuất lên Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân. Tuy nhiên, do vướng mắc về căn cứ pháp lý để làm cơ sở đề xuất nên đến hiện tại vẫn chưa có chế độ hỗ trợ dành riêng cho các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực Đờn ca tài tử.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong thời gian tới, Sở VH&TT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM có giải pháp cụ thể về chế độ chính sách nhằm động viên các đơn vị sản xuất các chương trình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các chương trình tôn vinh di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một. Tổ chức nhạc hội Đờn ca tài tử tại TP.HCM 2 năm một lần. Xây dựng và sớm triển khai kế hoạch khai thác Đờn ca tài tử Nam Bộ trong hoạt động du lịch tại các khu du lịch sinh thái Cần Giờ, tàu du lịch dọc tuyến kênh Tàu Hủ hoặc song Sài Gòn…
Sở VH&TT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ VHTT&DL xem xét, điều chỉnh về đối tượng, tiêu chuẩn mà nghệ nhân được hưởng theo nghị định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Bởi, quy định hiện nay được cho là không mang tính chất khả thi khi áp dụng vào thực tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.