Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, đến tháng 6/2015, sở quản lý 433 cơ sở dạy nghề gồm Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề khác. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào nghề ở các doanh nghiệp đã tăng lên 72,4%. Sở GDĐT TPHCM quản lý 62 trường chuyên nghiệp, gồm 30 trường ĐH, CĐ và 32 trường trung cấp chuyên nghiệp với quy mô đào tạo ngày một tăng.
Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS vào các trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được mục tiêu chỉ có 70% học tiếp bậc THPT, còn lại 30% vào học các trường nghề, hệ giáo dục chuyên nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhận định, công tác hướng nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh để học sinh lớp 9 đã có thể có được tư duy hướng nghiệp. Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều em đã học đến lớp 12 nhưng vẫn không xác định được hướng đi tương lai của mình. Bên cạnh đó, chính sách tuyển sinh của Bộ GDĐT vẫn chú trọng nhiều vào khối ĐH, CĐ nên các trường nghề ít được quan tâm, chú ý.
Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM đi giám sát công tác đào tạo, dạy nghề tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TPHCM
Để mở rộng công tác phân luồng học sinh như mục tiêu đặt ra, Sở GDĐT TPHCM kiến nghị thành phố thành lập ban chỉ đạo cấp thành phố về phân luồng học sinh sau trung học; chỉ đạo các quận, huyện xây dựng kế hoạch về phân luồng học sinh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp; có chính sách ưu tiên đầu tư cho các trường chuyên nghiệp, tập trung học bổng cho giáo dục dạy nghề. Các trường nghề cần phải gắn với doanh nghiệp để có điều kiện nâng cao cơ sở vật chất, trình độ giáo viên cũng như chất lượng đào tạo.
Qua thực tế giám sát ở các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TPHCM, các đại biểu HĐND TP cũng phân tích những vấn đề còn bất cập, tồn tại của hệ thống dạy nghề của thành phố. Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, tuy phát triển về quy mô, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tiếp cận và mở rộng liên kết đào tạo nghề với quốc tế... nhưng chất lượng đào tạo nghề nhìn chung chưa cao, yếu về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chưa gắn với yêu cầu sử dụng của thị trường lao động. Đặc biệt, sự quản lý chồng chéo về dạy nghề, cộng với nguồn lực đầu tư bị phân tán, manh mún... đã khiến hệ thống dạy nghề của thành phố không phát huy được năng lực, hoạt động chưa hiệu quả.
Hơn nữa, công tác quy hoạch, thông tin, dự báo về nhu cầu ngành nghề, việc làm cũng còn yếu và thiếu tính khoa học. Song song đó, nhiều doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc - chưa kết hợp, hỗ trợ các trường trong việc đưa học sinh đến thực tập nghề để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp chuyên nghiệp Nguyễn Đức Cảnh nêu bất cập: “Trong khi trường chúng tôi có công suất đào tạo lớn nhưng chưa khai thác, sử dụng hết vì thiếu nguồn tuyển sinh thì nghe nói quận 7 chuẩn bị đầu tư xây mới một trung tâm dạy nghề, như thế có cần thiết hay không?”.
Trước thực tế đầu tư tràn lan, manh mún trong khi kinh phí của thành phố eo hẹp, bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cho rằng, cần phải quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề vì quản lý chồng chéo, cơ sở vật chất nơi thừa, nơi thiếu, không phát huy hết năng lực, công suất đào tạo. Có cần thiết quận, huyện nào cũng phải có một trường nghề, trung tâm dạy nghề nhưng không phát huy hết năng lực đào tạo?
Với mạng lưới dạy nghề lớn, dày đặc như hiện nay, TPHCM có cần xây thêm cơ sở dạy nghề mới hay chỉ cần quy hoạch, sắp xếp các nghề đào tạo theo năng lực, thế mạnh để tránh sự chồng chéo, thiếu nguồn tuyển hoặc đào tạo dư thừa?
Hiệu trưởng CĐ Nghề TPHCM Lê Quốc Bình kiến nghị TPHCM nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiếp sức về vốn, mặt bằng cho những cơ sở dạy nghề có uy tín, thương hiệu để họ đào tạo ra sản phẩm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của TPHCM và hội nhập cộng đồng ASEAN.
Bạch Dương (Infonet.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.