TP.HCM: Còn tình trạng nể nang, ngại va chạm trong góp ý và phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm
Nhiều cán bộ, công chức, đảng viên có tâm lý e dè, ngại va chạm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Xuân Huy
Thứ ba, ngày 27/08/2024 10:36 AM (GMT+7)
UBND TP. HCM vừa công bố báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 27 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thời gian qua, Thành ủy và UBND TP.HCM luôn chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, bao gồm đảm bảo bí mật thông tin và có kế hoạch bảo vệ khi được yêu cầu.
Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 27 năm 2019 của Bộ Chính trị, UBND TP thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, xác định việc triển khai chỉ thị số 27-CT/TW và Thông tri số 28-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố.
Trên toàn địa bàn, đã có tổng cộng 24.709 đơn, thư tố cáo, tố giác, phản ánh, kiến nghị liên quan đến các hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Trong đó, thành phố đã ghi nhận 5 trường hợp yêu cầu được bảo vệ.
UBND TP.HCM cho biết, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc bảo vệ người tố giác và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo, tố giác trong thực tiễn còn hạn chế, chưa đồng bộ và thống nhất. Các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong giải quyết yêu cầu được bảo vệ.
Một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp, thậm chí cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có tâm lý e dè, ngại va chạm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Điều này khiến đa số đơn, thư tố cáo, tố giác liên quan đến các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là đơn nặc danh hoặc mạo danh.
UBND TP.HCM cũng nhận thấy còn tình trạng nể nang, ngại va chạm trong góp ý và phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm. Việc biểu dương và khen thưởng người tố giác, tố cáo chưa tương xứng. Các biện pháp bảo vệ người tố giác chưa cụ thể, rõ ràng và thiếu hiệu quả, do đó chưa khuyến khích được sự chủ động của cán bộ, đảng viên và người dân.
Từ những thực tế này, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tố giác, tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Các cơ quan cần bổ sung và hoàn thiện các quy định về căn cứ, trình tự, thủ tục luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở trong các quy định để trả thù, trù dập, phân biệt đối xử và gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.
Pháp luật về lao động cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa và xử lý hành vi trả thù, trù dập và phân biệt đối xử đối với người tố cáo là người lao động.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị nghiên cứu và bổ sung các quy định nhằm phòng ngừa và xử lý các hành vi trên. Cụ thể là việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và ban hành nghị quyết về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, quy định cụ thể hình thức xử lý và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
TP.HCM cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể hóa các quy định của Luật Tố cáo năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.