Đề án metro của TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng và hoàn thành khoảng 183km với sáu tuyến đường sắt đô thị. Nhu cầu vốn để thực hiện đề án này khoảng 37,45 tỷ USD.
Cụ thể, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 22,3 tỷ USD, trong đó ngân sách địa phương 7,18 tỷ USD, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 6,48 tỷ USD và vốn BT trả chậm 1,76 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2030-2035 cần 15,15 tỷ USD, gồm ngân sách địa phương 9,54 tỷ USD, vốn trung ương hỗ trợ 3,19 tỷ USD và vốn BT trả chậm 2,4 tỷ USD.
Theo dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP đã xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 là khoảng 62,59 tỷ USD (tương đương 1.502.207 tỷ đồng). Trong đó, vốn cho Đề án phát triển hệ thống metro là trên 21,7 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng nhu cầu vốn.
UBND TP.HCM cho rằng, số vốn thực hiện đề án, dự án thành phần rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của TP.
Thực tế nhu cầu vốn của TP.HCM hiện rất lớn, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp không thể đáp ứng nên cần phải huy động bổ sung qua nhiều hình thức khác nhau.
Để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, TP.HCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP để thực hiện đề án.
"Việc TP.HCM giữ lại số tăng thu ngân sách trung ương vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương theo dự toán thu được Quốc hội giao", TP.HCM nêu trong báo cáo.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết, ông hoàn toàn đồng ý đề xuất giữ lại ngân sách vượt thu để làm metro.
Theo nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, theo thời gian và sự phát triển của đô thị, TP.HCM đang phải đối mặt với thách thức lớn là tình trạng kẹt xe, ùn tắc ngay cả bên trong và ngoài TP.
"Dù thời gian qua, TP đã đưa vào hoạt động rẩt nhiều công trình giao thông thiết thực nhưng do nhu cầu dịch chuyển ngày càng cao, người đi ra vào TP ngày một lớn nên các tuyến đường nội đô và cửa ngõ TP thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ", ông Mười nói.
Thêm vào đó, để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, TP.HCM cần giảm lượng khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông nên việc phủ đều mạng lưới metro là điều cấp thiết.
Theo ông Khương Văn Mười, để thực hiện việc này, TP.HCM cần có sự hỗ trợ từ Trung ương về nhiều mặt, đầu tiên là nguồn vốn.
"Việc phủ đều mạng lưới metro là rất cần thiết, về lâu dài sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung. Để thực hiện được việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, TP cần có sự hỗ trợ từ Trung ương. Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất giữ lại nguồn tăng thu ngân sách trung ương để làm metro", nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM trao đổi thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.