TP.HCM: Di tích cổ đang dần biết mất, khó khăn trong bảo vệ, bảo tồn
TP.HCM: Di tích cổ đang dần biết mất, khó khăn trong bảo vệ, bảo tồn
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 20/09/2022 16:04 PM (GMT+7)
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM vừa có cuộc giám sát đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Sở Du lịch TP.HCM, Viện Nghiên cứu, phát triển và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc trên địa bàn.
Cuộc giám sát tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 52 của các sở ngành, ghi nhận những kết quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về không gian kiến trúc đô thị, phát huy giá trị của bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử với du lịch và tiếp nhận những kiến nghị của các sở ngành về những vướng mắc, khó khăn.
Trong đó, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị cần sớm triển khai giai đoạn 2 ứng dụng công nghệ 3D và số hóa giới thiệu các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể; kết nối, khai thác các giá trị đặc sắc của di sản và cảnh quan kiến trúc trong du lịch.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc nêu yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá biệt thự cũ để bảo quản, tu bổ và đón khách du lịch. Đề xuất Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cần sớm có quy định về khai thác tài sản công trong dịch vụ phục vụ du khách và tăng giá vé theo từng đối tượng khách tham quan; đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với đặc thù của bảo tàng để phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày một tăng của các đối tượng khách du lịch.
Trước đó, đoàn giám sát đã làm việc với UBND quận 8 về khu di tích Lò gốm Hưng Lợi đã được công nhận di tích khảo cổ học quốc gia nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, từ khi được công nhận là Khu di tích khảo cổ học năm 1998 đến khi bị xâm hại, Khu di tích này không được bảo quản, trùng tu đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn được nguyên trạng như thời gian đầu.
Đến nay, Khu di tích này chưa được phân cấp quản lý rõ ràng, chưa thành lập Ban Quản lý Khu di tích; Khuôn viên Khu di tích được Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng tường rào, xây dựng cổng di tích nhưng không có lắp cửa, dẫn đến việc người dân tự do ra vào khu di tích. UBND quận 8 đã có nhiều văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các biện pháp khoanh vùng bảo vệ, trùng tu, bảo quản phát huy giá trị di tích nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…
Theo tài liệu còn lưu tại cơ quan chức năng, di tích Lò gốm Hưng Lợi được mô tả là một gò đất cao khoảng 5m, chân gò rộng 32m theo hướng tây bắc - đông nam, cách bờ kênh Ruột Ngựa 100m. Xung quanh gò là vùng đất trũng có nhiều ao nhỏ, đất đắp bờ bao là một loại đất sét xám mịn.
Tài liệu trong hồ sơ di tích thể hiện cuối thế kỷ 17, hai tướng nhà Minh đã đưa 3.000 quân cùng gia đình chạy sang tòng phục chúa Nguyễn. Một nhóm người Hoa được chúa Nguyễn đưa về Sài Gòn, nhiều người tập trung làm nghề sản xuất chum, siêu, ơ, chai, gạch, gốm, ông táo...
Các lò gốm hình thành gần rạch Lò Gốm gồm lò Hưng Lợi, Hiệp Hưng, Tín Di Hưng, Bửu Nguyên, Quảng Di Thành... Lò gốm Hưng Lợi là một trong những lò gốm đầu tiên, dựa trên chất liệu và kiểu dáng của các hiện vật có thể xác định đây là các hiện vật có từ thế kỷ 18.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây là di tích duy nhất thuộc về làng nghề lò gốm Sài Gòn xưa nổi tiếng. Qua nghiên cứu những vùng gốm khác, có cơ sở cho rằng những người thợ gốm ở khu vực rạch Lò Gốm này đi về các vùng Lái Thiêu và Tân Vạn tiếp tục nghề làm gốm để hình thành nên các vùng gốm nổi tiếng ngày nay.
Theo hồ sơ năm 1998, di tích Lò gốm Hưng Lợi có khu vực bất khả xâm phạm là 836m2, khu vực bảo vệ là 40.000m2. Trong khu vực bảo vệ nghiêm cấm xây dựng, trồng cây cao làm án mất cảnh quan di tích, nghiêm cấm đun, đốt, thải chất bã, làm đường công đi qua.
Theo quy định hiện hành, vùng cấp bách của di tích Lò gốm Hưng Lợi là 836m2, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là 10.000m2.
Tuy nhiên hiện nay, di tích khảo cổ học quốc gia này nằm cuối một con hẻm ngoằn ngoèo của quận 8, cạnh mấy ngôi mộ, bên ngoài có hàng rào cửa sắt tạm, tấm biển báo di tích bị xịt sơn trắng, không đọc ra chữ. Trên đường đi, không có một tấm biển báo hay một chỉ dẫn nào về khu di tích. Trong khu vực di tích đang bị lấn chiếm, người dân nhiều lần cố ý xâm hại như san phẳng di tích, ủi sập cổng, trồng cây, lắp dựng công trình trong khuôn viên di tích…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.