Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"!

Lam Anh – Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 15/07/2022 12:29 PM (GMT+7)
Câu chuyện bảo vệ, bảo tồn, chống lại các đối tượng nôi nhốt trái phép, buôn bán, vận chuyển rồi nấu cao "Chúa Sơn Lâm" ở Việt Nam chưa bao giờ nóng như lúc này.
Bình luận 0

Thư ngỏ của 14 tổ chức bảo tồn gửi Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng về bảo tồn các loài hoang dã - có cả; Luật Việt Nam và công ước quốc tế về lĩnh vực này cũng chưa bao giờ sát sao và nghiêm minh đến thế. Năm 2021, vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với 24 cá thể hổ trưởng thành và hổ con thoát khỏi bàn tay của giới làm ăn phi pháp, mức án gần 20 năm tù mà các thủ phạm đã phải lĩnh cũng là một kỷ lục không thể nào quên. 

Trên nhiều tỉnh thành, từ Thái Nguyên, vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, ngược lên Điện Biên, Lai Châu, vào tít Đồng Nai… liên tiếp nhiều vụ bắt giữ các đối tượng sát hại, nấu cao "Ông Ba Mươi". Mà cũng lạ, 100% là hổ nuôi nhốt trong hầm tối, ăn thức ăn thui thối, kèm hóa chất phụ gia độc hại, vậy mà họ vẫn bỏ núi tiền ra mua rồi tin là nó có khả năng… trở thành "thần dược".

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 1.

Rao bán tiêu bản hổ trên mạng xã hội. Ảnh: LA

Những phát súng hiệu về câu chuyện ai cũng biết cả

Đó là các tín hiệu tốt, là những phát súng hiệu làm nức lòng những người yêu thiên nhiên trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngẫm ngợi một chút, chúng ta sẽ thấy: nếu có được hai chữ "làm thật" để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, thì chắc chắn việc bảo vệ hổ - loài động vật hoang dã quý hiếm đặc biệt (một biểu tượng oai phong và thiêng quý về vẻ đẹp và sức mạnh) này sẽ không làm đau đầu nhiều người trong cả một thời gian dài đến như vậy!

Trước hết, chúng ta cần khẳng định: chừng nào người dân đút tay túi quần, hất hàm hỏi con buôn, "có hàng không" rồi họ ship (vận chuyển) hổ sống cả con, hổ đông lạnh, đến tận nhà để "tiền trao cháo múc" được; thì chừng nó việc thực thi pháp luật ở lĩnh vực này vẫn còn chưa thực sự nghiêm. Bởi người ta, khi đi mua hổ không hề phải hóa trang, chẳng được trang bị nghiệm vụ hay vũ khí nào. Đơn giản là họ có tiền là con buôn "bu" lấy ngay. Từ tình huống này, nhiều người đã đặt câu hỏi: "xâm nhập" thế giới buôn bán giết hại hổ dễ thế, sao cơ quan hữu trách không xử lý triệt để được nạn nuôi nhốt / buôn bán / giết chóc trái phép hổ được?

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 2.

Chỉ vì dại dột tổ chức nấu cao hổ tại nhà, người tổ chức chích điện giết cá thể hổ này sau đó đã phải ra công an đầu thú và chịu hình phạt nghiêm khắc. Ảnh: Chụp bài báo

Ví dụ cụ thể, khi chúng tôi sang châu Phi, chỉ cần gặp các nhóm người Việt, là họ khoe tung trời các trò buôn hổ, buôn sư tử rồi nấu cao mang về Việt Nam bán. Trái phép hết. Thậm chí, chỉ cần đọc báo, chúng tôi quan sát thấy (trước đó có gặp trực tiếp các đối tượng), nhóm 6 người Việt đã tung hoành ra sao, rồi bị cảnh sát Nam Phi bắt ở "quy mô" chưa từng có như thế nào. Cụ thể: 6 người Việt kết hợp với "cộng sự đắc lực" người da trắng sở tại, trong 2 ngày giết tới 40 con sư tử để nấu cao, tuồn về Việt Nam để giả làm "cao hổ cốt". 

Bị cáo buộc sở hữu bất hợp pháp xương và da hổ, xương sư tử - vi phạm các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã ở Nam Phi (và thế giới), 9 người này ra tòa (trong đó có 6 người Việt), gồm: Louis Fouche, 22 tuổi; Lourens Pretorius, 24 tuổi; Mguyel Huu Son, 30 tuổi; Tuan, 33 tuổi; Dao Chanh, 38 tuổi; Pham Khur, 56 tuổi; Chanh, 56 tuổi; Quol Thang, 60 tuổi và Michael Frederich Fourie, 42 tuổi. Báo chí Nam Phi viết rõ: nhóm này đã tổ chức các "chiêu trò" này từ nhiều năm, người viết bài này đã xâm nhập đúng ổ nhóm này và ghi hình trước khi vụ bắt giữ diễn ra… vài năm.

Chúng tôi cũng tận mắt nhìn, tận tai nghe chủ trang trại nuôi hổ và sư tử kiểu nhốt trong các "địa ngục trần gian" kia kể: hổ ăn toàn gà chết, lợn chết (xem ảnh). Lông gà bay trắng toát, vàng ệch cả không gian của các dãy chuồng. Một trùm còn hồn nhiên khoe cách họ dùng xương sư tử giả làm xương hổ. Rồi thả đủ loại xương không rõ nguồn gốc, pha đủ thứ tạp chất (và chất kích thích) vào để tăng độ phê, trọng lượng và mùi vị cho "cao hổ cốt", trước khi đem qua hải quan với danh nghĩa là "thạch" mua về làm quà cho trẻ con ở Việt Nam. Nếu các quý vị sung túc bỏ tiền mua "thần dược" ở Việt Nam mà nhìn thấy các cảnh này, chắc sẽ tởn "cao Chúa Sơn Lâm" đến suốt đời. Phải dùng đúng từ, gọi là "tiền mất tật mang".

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 3.

Các đối tượng gửi ảnh giết hổ nấu cao cho nhóm PV Điều tra để tạo niềm tin. Ảnh: Đối tượng bán hàng cung cấp

Vậy, suy ra, vụ việc trên khá "công khai", chứ không phải nhập nhằng bí mật gì cả. Trang trại trái phép của họ rộng mênh mông, khách ra vào nườm nượp.

Tương tự, khi đối tượng Nguyễn Mậu Chiến nuôi 11 cá thể hổ ở Thanh Hóa liên tiếp buôn lậu hổ và bị bắt, đàn hổ xuất hiện cùng hoạt động phi pháp của Chiến được tạm thời để y nuôi nhốt "chữa cháy" sau khi cơ quan chức năng xử lý cái tội "buôn bán" hổ trái phép. Điều này quá vô lý, chúng ta nói sau. Cái trước mắt: làm sao lại giao cho trùm buôn động vật hoang dã "nuôi bảo tồn" loài hổ có giá chợ đen đắt đỏ và luôn khiến những kẻ tham lam ủ mưu đem nấu cao kia? Quả nhiên, qua theo dõi, các nhà bảo tồn có không ít bằng chứng về việc các cá thể hổ mà Chiến nuôi bị đánh tráo để giết mổ nấu cao rồi tuồn hổ lậu vào "thế chỗ". 

Cảnh sát ở nước Cộng hòa Bờ Biển Ngà (châu Phi) cũng thông báo, Nguyễn Mậu Chiến là trùm buôn lậu động vật hoang dã. Vừa rồi, Chiến bị tuyên 23 tháng tù giam vì buôn lậu sừng tê giác xuyên quốc gia. Khám nhà Chiến ở Hà Đông, cơ quan công an còn thu 2 cá thể hổ đông lạnh khổng lồ. Chiến khai, hổ đó mang từ "trang trại nuôi bảo tồn" của chính Chiến ở Thanh Hóa ra Hà Nội. Ai cũng biết đem ra để làm gì rồi.

Qua hai vụ trên, có thể thấy, toàn những vụ "nhắm mắt cũng biết đằng sau là cái gì", vậy mà nó cứ tồn tại suốt bao năm. Phải lâu lắm, mới vỡ ổ con chuồn chuồn, lật mặt được các kẻ thủ ác với môi trường, thiên nhiên.

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 4.

Một con hổ bị dính bẫy ở Malaysia, đây là địa bàn nhiều đối tượng người Việt đã đi tìm trầm hương, vào rừng, giết hổ mang về Việt Nam bán. Ảnh: WWF

Không khó để tiếp cận các "vi phạm": tại sao vẫn không xử lý được?

Ở khắp các tỉnh, các trùm buôn lậu hổ và động vật hoang dã quý hiếm đều "khét tiếng", cả một vùng dân cư rộng lớn ai cũng biết. Hỏi là có người chỉ, đến là họ rón rén hoặc công khai giao dịch, nếu thật sự điều tra và bắt giữ, nói như các cụ, dễ như trở bàn tay.

Đó cũng là lý do để có được vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam vào tháng 8 năm 2021. Các nhà báo chúng tôi vào cuộc, từ gần 10 năm trước, đã xâm nhập các ngôi nhà nhốt hổ như "địa ngục trần gian" dưới hầm tối. Bấy giờ, chúng tôi đã cầm video về việc nuôi hổ trái phép tại nhà rồi rao bán, cùng các tổ chức gặp trực tiếp cơ quan điều tra để tố cáo. 

Song, họ trả lời vì yếu tố khách quan, khó bắt được các đối tượng. 10 năm trôi qua, nay các vị cán bộ trên đã về hưu, chúng tôi lại tiếp tục xâm nhập xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Mất khoảng 5 tháng thì có các vụ bắt giữ những kẻ buôn hổ con, nuôi hổ trưởng thành để bán nấu cao, có nhà như Nguyễn Văn Hiền, nuôi 14 cá thể hổ khổng lồ cùng lúc. Cùng vụ việc giải cứu 24 con hổ trong 3 ngày kia, nay: Hiền đã lĩnh án 7 năm tù giam; 2 kẻ buôn 7 hổ con lĩnh 9 năm tù; hàng xóm nhà Hiền bị phát hiện nuôi trái phép 3 cá thể hổ tạ, chịu hình phạt 30 tháng tù giam.

Xin hỏi: vụ việc "khổng lồ" này ra đời từ đâu? Ra đời từ việc nhà báo đủng đỉnh đi vào làng hỏi mua mật gấu, cao hổ, sừng tê giác và ngà voi. Hỏi cả da tê giác về băm ra nấu cao. Hỏi, họ nghi ngại, rồi họ tiết lộ, mối nọ giới thiệu mối kia, thế là hiểu chuyện và chúng tôi có tài liệu đi tố cáo đến cơ quan công an. Các việc trên, có thể nói là ai cũng làm được một cách không mấy khó khăn. Vì "trăm người bán, vạn người mua", quy luật cung cầu nó chi phối, nó là một cái chợ gần như "công khai bất thành văn". Thì thử hỏi: điều tra có gì khó đâu. Vấn đề là chúng ta có thật sự muốn "làm cho ra nhẽ" hay không thôi.

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 5.

Người ta bảo, "thần hổ" đã báo oán, để ông Lấn, một Chủ tịch UBND xã ở Thái Nguyên cùng vợ đã bị bắt với tang vật kinh khủng như thế này

Phân tích thêm: Liên tiếp các vụ bắt những đối tượng giết hổ nấu cao gần đây đã nói lên điều gì? Ngày 13/1/2022, ông Ngô Văn Quân, chủ tịch UBND xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị công an bắt vì tàng trữ, giết mổ hổ để nấu cao. Ngày 28.5.2022, Công an Thanh Hóa đã bắt quả tang Đỗ Văn Lấn, người xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân đang cùng đồng bọn xẻ thịt con hổ tại nhà riêng của Lấn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ một xác hổ nặng 145kg. Qua điều tra, đường dây đã lộ diện, đối tượng bán cá thể hổ trên là Hoàng Văn Hiến (48 tuổi, ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và đối tượng vận chuyển là Nguyễn Văn Liệu cùng quê với Hiến.

Cách đó không xa, công an Hà Tĩnh phát hiện một con hổ trong nhà ông Đ.N.Ngh., 49 tuổi, ngụ xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. "Chúa Sơn Lâm" nặng khoảng 250kg được xác định bị điện giật, nằm bất tỉnh trên nền nhà. Lúc này chủ nhà đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến trưa hôm sau, ông Ngh. đã đến trình diện tại Công an huyện Hương Sơn. Làm việc với công an, bước đầu ông Ngh. khai mua con hổ trên từ Nghệ An về để nấu cao.

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 6.

Sản xuất hàng loạt cao hổ cốt, chụp cạnh tiêu bản "chúa Sơn Lâm" để tăng niềm tin cho khách, sau đó đưa lên mạng xã hội rao bán. Ảnh: Người bán hàng cung cấp

Tiếp nữa: ngày 18/3/2022, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tạm giữ hình sự 3 nghi phạm Lường Văn Anh (trú tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên), 2 đối tượng quê Nghệ An gồm: Ngô Sỹ Thành (trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) và Ngô Sỹ Tiến (trú tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã cấp quý hiếm. Trước đó, các đối tượng dùng dao và kích điện giết một cá thể hổ nặng 220 kg tại nhà riêng của Lường Văn Anh. Họ khai nhận mua cá thể hổ sống tại Nghệ An rồi vận chuyển lên Điện Biên.

Từ các câu chuyện không thể thuyết phục hơn kia, đặt ra một vấn đề: các đường dây tuồn hổ từ Lào về nuôi trái phép ở Nghệ An đã được biết đến từ lâu, đã được các nhà báo tố cáo và cơ quan chức năng bắt kiến tạo nên vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Video, ghi âm lời các đối tượng rất rõ, mô tả của chúng trùng với những gì mà hàng trăm cảnh sát ập vào xử lý rồi các phiên tòa đã tuyên rất cụ thể như đã viết ở trên. Sau "giờ G" đó, hàng loạt các đường dây bị bóc gỡ, hầu như nguồn hổ đều ở Nghệ An. 

Từ việc khui ra các hầm tối bẩn thỉu dưới lòng đất xã Đô Thành, từ việc đông đảo các nhà báo quay video, chụp ảnh rõ ràng các loại thức ăn độc hại của hổ nuôi nhốt trái phép, từ việc các con hổ tội nghiệp khi được giải cứu đều mắc bệnh béo phì, tim mạch, tú hụ những mỡ và chậm chạp như các con bệnh (8 cá thể đã chết ngay sau đó), chúng ta đã thêm một lần thấm thía điều này: hổ nuôi nhốt kiểu đó không thể là thứ đem giết thịt, nấu cao, lại có thể đem lại bổ béo tốt đẹp cho người dùng. Không có một vi chất, vi lượng nào từ các cá thể hổ đầy bệnh tật, ra đời từ sinh sản cận huyết và chăn nuôi với đủ loại hóa chất và thức ăn tăng trọng như vậy cả.

Bảo tồn hổ ở Việt Nam: Chỉ thiếu hai chữ "làm thật"! - Ảnh 7.

6 đối tượng người Việt tổ chức giết đến 40 con sư tử trong 2 ngày ở Nam Phi và bị bắt, cao sư tử đó được mang về Việt Nam giả làm cao hổ

Và, thêm một lần, các câu hỏi lại được đặt ra: nguồn tin bà con nói, báo chí tố cáo lâu nay đều thấy đúng cả, và tiếp cận cũng đơn giản "đút tay túi quần" hỏi han thôi chứ không có gì khó. Vậy, tại sao cơ quan chức năng các cấp không tiếp tục bóc gỡ triệt để hơn các "thành trì" nuôi hổ trái phép, vận chuyển, buôn bán, giết hại hổ đầy tai tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả tầm quốc tế kia?

Thế nên, người ta bảo, mọi công cụ chúng ta đã có, chỉ thiếu sự minh bạch và các cuộc ra quân "làm thật", làm thường xuyên, dám đi đến tận cùng vấn đề. Sự thật này không chỉ đúng với nạn buôn bán giết hại "Chúa Sơn Lâm", mà còn đúng với tất cả các loài hoang dã đang phải gánh chịu bi kịch của chúng ta hiện nay. Đã rất nhiều lần, các chuyên gia khuyên nhủ rồi, vài vi chất vi lượng có thể có trong xương hổ hoang dã xưa kia người phương Đông vẫn mải mê tìm kiếm (chứ không có ở hổ nuôi trong "ngục tối"!) thì khoa học bây giờ có thể chế tạo ra và thay thế trên cả tuyệt vời. Tại sao chúng ta (nhất là giới nhà giàu, vẫn được xem là có hiểu biết và đề cao trách nhiệm cộng đồng) lại cứ gián tiếp hoặc trực tiếp đi giết hổ một cách mù quáng với đầy rủi ro pháp lý?

Quả là một điều đáng trăn trở và trách móc. Trong khi, nhiều người còn ích kỷ chưa chịu giác ngộ, thì như đã nói, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là bài toán có sức răn đe hiệu quả nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem