TP.HCM: Dịch Covid-19 làm nghề này không lo hết việc, lúc nào cũng có tiền tiêu

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 07/02/2021 18:34 PM (GMT+7)
Những ngày này, người làm nghề se nhang truyền thống tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khá tất bật, bởi đây là mùa tiêu thụ nhang nhiều nhất trong năm do có Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng.
Bình luận 0

Đi dọc theo con đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân) vào thời điểm này dễ bắt gặp hình ảnh những sân nhang vàng óng hai bên đường và những lao động lui cui phơi nhang.

Trăm năm làng nhang…

Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy - chủ cơ sở se nhang lớn nhất ở xã Lê Minh Xuân cho biết, nghề làm nhang là nghề cha truyền con nối tại đây. Mấy đời nhà chị làm nghề nhang. Nghề này có việc làm quanh năm. Trong đó, dịp rằm tháng Giêng tiêu thụ nhang nhiều nhất trong năm nên người làm nhang cũng bận rộn nhất. Thậm chí, có những hộ gia đình làm đến ngày 29, 30 Tết mới đóng máy se nhang.

Tatnien/ Hối hả se nhang kiếm tết ấm - Ảnh 1.

Một cơ sở làm nhang tại xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: T.Đ

Hiện, mỗi ngày cơ sở của chị Thúy bán ra thị trường hàng chục ngàn thiên nhang thành phẩm (1 thiên = 1.000 cây nhang). Sản phẩm này theo thương lái lan tỏa không chỉ ở TP.HCM mà còn đến các tỉnh lân cận.

Không chỉ các chủ cơ sở "hốt bạc" với nghề nhang trong mùa này, mà nhân công làm thuê cũng kiếm được kha khá tiền mua sắm ba ngày tết. 

Ông Danh Tây - người thợ se nhang tại làng nhang Lê Minh Xuân cho biết, vào những ngày này vợ chồng ông làm công được khoảng 500.000 đồng/ngày. "Làm thuê nghề này tiền công không nhiều, nhưng như thế cũng đủ chi tiêu cho những ngày tết" - ông Tây chia sẻ.

"Những năm qua, Hội Nông dân xã đã giới thiệu cho nhiều bà con vay Quỹ Hỗ trợ nông dân để làm nhang. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, khá lên".

Bà Phạm Thị Xuân Hồng -

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân

Trước đây, người dân làm nhang bằng cách se nhang bằng tay, nên năng suất thấp và nhang làm ra cũng không đều. Mỗi ngày, một nhân công chỉ se được 8-10 thiên nhang. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều cơ sở đã sắm máy se nhang giúp giải phóng sức lao động rất nhiều. Hiện mỗi máy se nhang có năng suất 50-60 thiên/ngày.

Nghề xóa nghèo…

Theo nhiều bà con làm nghề se nhang tại làng nhang Lê Minh Xuân, nghề se nhang tuy không mang lại cuộc sống giàu sang cho người dân, nhưng cũng giúp nhiều người tại đây thoát nghèo, khá giả. Thường nhân công tại đây là lao động nữ và người lớn tuổi. Trai tráng trong làng nhang đều đi làm công nhân hay ruộng đồng.

Ông Tây cho biết, nhờ nghề làm nhang mà mỗi tháng 2 vợ chồng ông có thu nhập khoảng chục triệu đồng. "Chỗ tôi làm, nhân công ai cũng nghèo, nhưng nhờ có nghề se nhang nên ai cũng có thu nhập ổn định, trang trải được cuộc sống" - ông Tây thổ lộ.

Theo chị Thúy, nhiều nhân công sau thời gian làm công trở nên thành thạo với nghề, họ vay tiền mua máy rồi tự đứng ra sản xuất nhang.

Theo Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, làng nghề se nhang tại xã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Hiện, làng nhang đã thành lập được 4 tổ hợp tác se nhang với sự tham gia của 124 hộ.

Tuy nhiên, hiện nhiều bà con làm nhang ở xã Lê Minh Xuân đang khá lo lắng cho việc tiêu thụ nhang. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm qua đã khiến một lượng lớn sản phẩm nhang sản xuất trong nước ùn ứ không thể xuất khẩu được. 

Hiện, hầu hết nhang sản xuất ra đều tiêu thụ thị trường trong nước nên việc cạnh tranh giá khá gay gắt. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem