TP.HCM: Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối diện với nhiều nỗi lo mới

Quốc Hải Thứ năm, ngày 12/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Khó khăn lớn nhất trong triển khai “3 tại chỗ”, đó là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn. Bên cạnh đó, nhiều chi phí phát sinh đã khiến nhiều DN thêm kiệt sức...
Bình luận 0

Thực tế, nhiều DN tại TP.HCM thực hiện "3 tại chỗ", nhưng vẫn phát hiện những ca F0. Điều này khiến DN lúng túng. Do năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương đã quá tải, nên khâu xử lý các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang rất rối rắm.

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối diện với nhiều nỗi lo mới - Ảnh 1.

Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo chuẩn bị chỗ ngủ lại cho công nhân "3 tại chỗ" (Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp)

"Rối" vì vẫn phát hiện ca F0

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - cho biết: Hiện nay, "3 tại chỗ" khiến các DN đều gặp khó. Thí dụ như chi phí xét nghiệm tăng cao, nhưng áp lực để giữ "vùng xanh" mới là vấn đề lớn.

"Buổi tối chúng tôi quy định mỗi công nhân lao động có 1 số, họ sẽ sinh hoạt theo đúng số đó, ăn uống cũng ngồi đúng số đó, rồi nghỉ ngơi cũng vậy. Nhưng quy định là thế, mà công nhân có độ tuân thủ rất kém. Nếu không giám sát tốt, tối ngủ, họ lại tụ tập nói chuyện, rất áp lực... Tóm lại, nếu chỉ về kinh phí thì DN sẽ sẵn sàng chia sẻ; nhưng áp lực về tâm lý, áp lực về giữ "vùng xanh", nếu kéo dài thì DN sẽ rất đuối. Cần có các giải pháp để tháo gỡ" - ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, cái mà DN cần đề xuất nhất là "3 tại chỗ" không nên kéo quá dài. Thí dụ: Trong khoảng thời gian 1 tháng hoặc 1,5 tháng, DN còn chịu đựng được. Chứ nếu kéo dài, tâm lý công nhân bức bách, rồi tụ tập..., nên việc giữ an toàn rất vất vả…

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối diện với nhiều nỗi lo mới - Ảnh 2.

Các DN thực hiện "3 tại chỗ" đang đối mặt với áp lực chi phí tăng cao (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Lo lắng của ông Thiện cũng là nỗi lo chung của không ít DN phía Nam đang triển khai "3 tại chỗ". Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Tổng Giám đốc Hải Nam Seafood - cho biết: Có trường hợp phát hiện F0 trong công ty, khiến công nhân hoảng loạn, tháo chạy ra ngoài. Đó mới là vấn đề đáng sợ. Do đó, điều quan trọng là làm sao để người lao động an tâm, tin tưởng vào DN, Chính phủ.

"Ngay cả xưởng của công ty của tôi ở Khu công nghiệp cũng ngưng 2 tuần, khi áp dụng có quy định về "3 tại chỗ". Trong 2 tuần đó, khách hàng, hàng hóa rối loạn. Nhưng khi chúng tôi xây dựng thêm khu để công nhân ở lại, thì không ai muốn đến làm việc" - bà Sắc nói.

Trước tình hình này, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, kiêm phó Chủ tịch Hội Dệt may, thêu đan TP.HCM - kiến nghị ngành y tế sớm hướng dẫn quy trình xử lý cụ thể hơn trong trường hợp DN thực hiện "3 tại chỗ", nhưng xuất hiện ca nhiễm Covid-19.

Hiện nay 70% DN thuộc Hiệp hội đang phải bán bù lỗ và hòa vốn; bởi giá nguyên liệu đầu vào đều tăng. Nếu thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài quá 1 tháng thì các DN có từ 300-1.000 công nhân sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề"- Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM nói.

Theo ông Việt, do đặc thù là ngành dệt may có số lượng lao động đông, nên các DN rất khó bố trí sản xuất "3 tại chỗ". Dù đã cố gắng, nhưng hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số lượng DN đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động cũng chỉ từ 35 - 40%. 

Nguyên nhân là vì tâm lý của người lao động bị ảnh hưởng, do thời gian ở lại nhà xưởng quá dài. Trong khi bên ngoài, dịch bệnh vẫn phức tạp, người nhà vẫn bị phong tỏa, cách ly...; dẫn đến năng suất lao động thấp, dù DN đã bằng mọi cách để giúp công nhân giải trí, trấn an.

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối diện với nhiều nỗi lo mới - Ảnh 4.

Gánh nặng tài chính của DN "3 tại chỗ" theo khảo sát của tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế (Nguồn: Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế)

"Chỉ có 10% DN dệt may duy trì "3 tại chỗ"; song chỉ có thể duy trì 30 - 45 ngày. Nếu lâu hơn sẽ không hiệu quả. Do đó, cần khẩn trương tiêm vaccine. DN nào đã đạt được 2 mũi có thể áp dụng cho công nhân đi và về, với những tiêu chí phòng dịch, thay vì phải "3 tại chỗ" như hiện nay" - ông Việt nói.

Gói hỗ trợ DN hiệu quả nhất lúc này là… "gói hỗ trợ sớm"

Theo các chuyên gia kinh tế, DN nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nên chính sách hỗ trợ cần mạnh và sớm hơn nữa. Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn luật sư TP.HCM), đề xuất nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho khu vực này từ ngân sách nhà nước, với quy mô khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay khoảng 3%-4%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất là 1 năm; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.

"Giả sử lãi suất cho vay ngân hàng khoảng 7%-8%/năm, thì DN chỉ phải trả lãi 3%-4%/năm, còn lại ngân sách cấp bù. Nếu NH cố gắng giảm thêm được 1 điểm phần trăm/năm cho DN, lãi suất ngân sách cấp bù giảm còn khoảng 3%/năm. Với gói tín dụng này, ngân sách hỗ trợ ước khoảng 2.000 tỷ đồng, con số không quá lớn nhưng sẽ rất có lợi cho khối DN nhỏ và vừa…" - luật sư Thường nói.

Tuy nhiên, dù bất cứ gói hỗ trợ nào thì theo chuyên gia này, quan trọng nhất lúc này vẫn là các "gói hỗ trợ sớm" để DN cầm cự qua đại dịch.

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” đối diện với nhiều nỗi lo mới - Ảnh 6.

DN thực hiện 3 tại chỗ tại 17 KCX/KCN TP.HCM (Nguồn: Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế)

Còn theo TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: Hiện thành phố có trên 2.800 doanh nghiệp giải thể, 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Theo đó, ông Ngân nhấn mạnh, đối với các DN đang thực hiện "3 tại chỗ", cần phải có chính sách cứu đến cùng. Bởi các DN này đã cộng khổ, thậm chí chịu lỗ để đồng hành cùng thành phố trong giai đoạn khó khăn nhất.

"Hiện nay thành phố đang tiêm vaccine cho người dân và có một số DN đã tiêm cho người lao động. Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp tiêm vaccine thì được ứng xử như thế nào. Thực tế hiện nay cứ xuất hiện F0 trong nhà máy là phải dừng hoạt động thì gây tổn thất rất lớn cho DN" - ông Ngân nói.

Vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất lúc này theo ông Ngân là khi người dân có đủ sức khỏe và đạt mức miễn dịch cộng đồng thì DN còn hoạt động không?

Do đó, song song với việc tiêm vaccine cho người dân thì cũng cần tiêm vaccine cho DN. Với việc tiêm vaccine cho người lao động thì thành phố đang triển khai, còn việc "tiêm vaccine cho doanh nghiệp" là các gói hỗ trợ, giãn, giảm, thuế phí, khoanh nợ… thì ngoài thành phố còn cần sự vào cuộc của ngân hàng…

Quốc Hội cần sớm ban hành các luật, nghị quyết phù hợp để hỗ trợ DN vừa và nhỏ

"Quốc Hội cần sớm ban hành các luật, nghị quyết phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn để Chính phủ sớm triển khai về các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19, để DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và sẽ mở rộng đầu tư sau khi kết thúc dịch bệnh.

Các chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn cho các DN gặp khó khăn cấp thiết hiện nay như: Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất thuế TNDN, GTGT, giãn nộp nợ thuế; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ra thông tư về giảm lãi suất tiền vay, giãn trả nợ gốc và lãi, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các DN dễ dàng vay tiền trả lương cho người lao động hay để bổ sung vốn lưu động trong kinh doanh; Bộ GTVT ban hành các thủ tục giấy tờ thuận lợi cho các DN vận tải chở hàng hoá lưu thông trong cả nước nhưng vẫn đảm bảo chống lây lan dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, nhà nước cũng nghiên cứu ban hành các chính sách trung và dài hạn để hỗ trợ cho tất cả loại hình DN, như: Hỗ trợ cho DN mở rộng thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu sang các nước trên thế giới, ban hành sửa đổi bổ sung thuế suất các luật thuế xuất nhập khẩu để DM trong nước có thể cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, khi nhà nước đã ban hành những chính sách hỗ trợ DN thì sau đó các cơ quan, ban ngành thực thi cần thường xuyên chủ động nắm bắt, cập nhật tình hình triển khai để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để có những kiến nghị điều chỉnh kịp thời hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực và từng giai đoạn khác nhau để đạt được hiệu quả".

NCS.LS Lê Bá Thường, thành viên đoàn Luật sư TP.HCM

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem