Lần đầu tiên xuất khẩu 1.000 cây mai “mặt khỉ”, một nông dân Tiền Giang thu 1,2 tỷ đồng

Trần Đáng Thứ ba, ngày 22/03/2022 10:32 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Thiện (xã Long Vĩnh, Gò Công Tây, Tiền Giang) vừa xuất khẩu lô mai nu (dân chơi kiểng còn gọi mai nu “mặt khỉ”) sang Indonesia. Lô hơn 1.000 cây này có giá trị hơn 1,2 tỷ đồng.
Bình luận 0

Đây là những cây mai nu “mặt khỉ” đã được thu gom tại các nhà vườn trồng mai nu chiếu thủy tại xã Thạnh Nhựt, Long Vĩnh và thị trấn Vĩnh Bình.

Lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng “mặt khỉ” khủng, nông dân Tiền Giang thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Thiện (trái, xã Long Vĩnh, Gò Công Tây, Tiền Giang) chuẩn bị mai nu để xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng

Xuất khẩu mai nu “mặt khỉ”

Theo anh Thiện, những cây mai nu “mặt khỉ” đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phải đáp ứng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt. Cây phải có dáng đẹp, nu sần sùi, to đều.

Những nu này vì trông giống như mặt khỉ nên dân chơi kiểng cổ gọi vui là mai nu “mặt khỉ”.

Sau khi được chọn, nhà vườn cắt gọn lại các cành cây. Sau đó, bộ rễ cây sẽ được giũ hết đất, rồi bó lại với mụn xơ dừa.

Không chỉ vậy, bộ rễ cây còn phải xử lý bằng thuốc kháng khuẩn, kháng nấm trước khi bọc lại.

Anh Thiện cho biết, giá cây mai nu nhỏ, chưa qua tạo hình 250.000-600.000 đồng/cây. Gcây mai nu lớn đã qua tạo hình 20-60 triệu đồngcây.

“Tôi xuất bán 1.000 cây mai nu nguyên liệu cỡ nhỏ giá 250.000 đồng/cây. Số cây thành phẩm của bà con gởi bán có giá khoảng 1 tỷ đồng”, anh Thiện chia sẻ.

Lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng “mặt khỉ” khủng, nông dân Tiền Giang thu tiền tỷ - Ảnh 2.

Đưa mai nu ra điểm tập kết xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt, việc xuất khẩu mai nu “mặt khỉ” được nông dân trồng mai nu ở Thạnh Nhựt thực hiện gần 10 năm nay.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nông dân xã Long Vĩnh xuất khẩu số lượng lớn cây mai nu “mặt khỉ”.

Mai nu xuất khẩu chủ yếu là cây nguyên liệu. Khách hàng là người Việt định cư tại Indonesia, Malaysia, Philippine.

“Khách hàng mua cây nguyên liệu đưa về nước rồi trồng lại. Sau đó, họ tạo hình mai nu”, ông Tốt thổ lộ.

Cơ hội khếch trương thương hiệu mai nu Gò Công


Lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng “mặt khỉ” khủng, nông dân Tiền Giang thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Mai nu xuất khẩu chủ yếu là cây nguyên liệu. Ảnh: Trần Đáng

          Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch huyện Gò Công Tây, việc xuất khẩu được cây mai nu với số lượng lớn cho thấy không chỉ có thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài cũng biết đến giá trị của cây mai nu.

         “Đây là cơ hội cho nông dân trồng mai nu phát triển, tạo điều kiện cho nông dân có thêm nguồn thu nhập, đầu ra ổn định”, ông Thanh bộc bạch.

Những năm gần đây, nghề trồng mai nu trên đất ruộng phát triển mạnh ở huyện Gò Công Tây.

Không chỉ trồng trên đất ruộng, nhiều nông dân tận dụng đất vườn trống để trồng mai nu.

Toàn huyện Gò Công Tây hiện có khoảng 50ha trồng mai nu chiếu thủy.

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Thạnh Nhựt, địa phương chủ lực trồng mai nu “mặt khỉ”, diện tích trồng mai nu “mặt khỉ” hơn 10ha.

Ông Tốt cho biết, mai nu rất dễ trồng. Cây trồng 3 năm đã cho nhánh và gốc để bán.

Hiện, giá nhánh mai nu là 10.000 đồng/nhánh. Giá gốc mai nu 3 năm tuổi hơn 100.000 đồng/gốc.

Lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng “mặt khỉ” khủng, nông dân Tiền Giang thu tiền tỷ - Ảnh 4.

Chính quyền địa phương đến xem anh Thiện xuất khẩu mai nu. Ảnh: Trần Đáng

Trung bình, mỗi công đất trồng mai nu, cho thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.

Hiện, huyện Gò Công Tây đã đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tập thể và thương hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem