TS. Phan Thị Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, để huyện Cần Giờ phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực và phát huy lợi thế của mình trong thời gian tới, UBND TP.HCM đã ban hành 28 chương trình đề án, điển hình như tập trung phát triển gồm: du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP; các loại hình thương mại – dịch vụ hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.
“Đối với đề án phát triển Du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP, sau nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận thấy để sản phẩm OCOP và du lịch của Cần Giờ phát triển mạnh và đến gần công chúng hơn, cần có sự kết hợp song song như hai vế của một phương trình thông qua nhiều hoạt động và sự hỗ trợ công nghệ số”, bà Kiều nói.
TP.HCM đưa Tiktoker quảng bá du lịch, sản phẩm OCOP Cần Giờ. Ảnh: VNCPT
Theo đó, mô hình ngày hội trải nghiệm sản phẩm OCOP kết hợp du lịch sinh thái tại Cần Giờ lần 1 diễn ra thành công vào ngày 18-19/6. Lần này, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND huyện Cần Giờ tiếp tục phối hợp tổ chức ngày hội “Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của TP.HCM (OCOP) thông qua hình thức thương mại điện tử - trên nền tảng mạng xã hội”.
Ngày hội lần này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận với các kỹ năng số, cách làm mới về xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, các mô hình du lịch nông thôn; giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng công nghệ số trong việc phát triển sinh kế và đời sống khu vực nông thôn.
“Từ hình thức này sẽ mở ra những triển vọng tăng cường liên kết và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của TP.HCM và Cần Giờ đến với người dân trong nước và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về tiềm năng công nghệ số trong xã hội”, bà Kiều cho biết.
Được biết, tham dự ngày hội lần này có sự tham gia của các Tiktoker, KOL, KOC được kỳ vọng sẽ lan tỏa mô hình du lịch sinh thái và các sản phẩm OCOP tại Cần Giờ. Lễ ra quân ngày hội đã diễn ra vào sáng 19/10.
Chia sẻ thêm với báo chí, bà Kiều cho biết, với 4 trụ cột của kinh tế biển xanh gồm: nuôi trồng đánh bắt thủy sản; du lịch biển; năng lượng tái tạo; và cảng biển – dịch vụ logistics. Dự kiến cuối tháng 12/2023, Viện Nghiên cứu phát triển sẽ báo cáo UBND thành phố kết quả nghiên cứu, sau đó sẽ kết hợp với huyện Cần Giờ ký kết hình thành chuỗi liên kết thủy sản; chuỗi liên kết du lịch biển.
Cũng như tổ chức các buổi trao đổi chuyên sâu về các loại năng lượng tái tạo, các loại hình dịch vụ Logistics khi hình thành Cảng biển tại địa phương này. Trong tương lai phát triển Cần Giờ trở thành đô thị sinh thái biển xanh kiểu mẫu của TP.HCM và cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.