Sau
đợt giá xăng tăng thêm 210 đồng/lít vào ngày 22.4, các hãng taxi, vận
tải hành khách đều dè dặt khi nói đến chuyện tăng giá cước. Thời điểm
đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết là các doanh
nghiệp taxi trên địa bàn thành phố chưa nghĩ đến việc tăng gia cước
trong đợt này. Một số doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh cũng
ngần ngại, không dám tăng giá cước vì trùng ngay dịp phục vụ lễ 30.4 -
1.5, nếu tăng sẽ rất khó cho hành khách.
Taxi Mai Linh là hãng taxi quyết định tăng giá cước trong đợt này.
Tuy
nhiên, đến cuối tháng 4.2014, hãng taxi lớn thứ 2 trên địa bàn TP.HCM là
Mai Linh đã công bố điều chỉnh giá cước taxi tại thị trường TP.HCM tăng
từ 200 đồng/km đến 700 đồng/km, tùy thuộc vào từng loại xe. Theo mức
điều chỉnh này, giá cước taxi Mai Linh tại khu vực TP.HCM cụ thể như sau:
Xe Kia Morning 15.000 đồng/km; xe Toyota Vios 16.300 đồng/km; xe
Toyota Innova J 17.000 đồng/km; xe Toyota Innova G 18.200 đồng/km.
Đại diện hãng taxi Mai Linh giải thích: “Trong đợt điều chỉnh xăng tăng
thêm 210 đồng/lít vừa qua, mặc dù mức tăng không lớn nhưng kết hợp với
các yếu tố khác đã tăng trước đó làm ảnh hưởng đến giá thành vận tải
taxi”. Cụ thể, hãng này cho rằng từ đầu năm nay một số chi phí đầu vào
như vật tư, phụ tùng, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh
cũng tăng theo. Bên cạnh đó mức lương tối thiểu và mức đóng BHXH cũng
được điều chỉnh tăng từ ngày 1.1.2014 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất
chung.
Việc
Mai Linh tăng giá cước khiến nhiều người lo ngại các hãng vận tải hành
khách quyết định tăng giá sau 1 tuần suy tính. Tuy nhiên, thực tế thị
trường taxi những ngày qua cho thấy chỉ có Mai Linh tăng giá. Đại diễn
hãng taxi lớn nhất TP.HCM là Vinasun cũng thừa nhận chi phí ngành taxi
đang đội cao bởi nhiều lý do như xăng dầu, nhân công, bảo hiểm và cả phí
bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, quan điểm của hãng vẫn là không tăng giá
cước, cố giữ giá để thu hút khách, mở rộng thị trường. Trong suốt năm
2013, xăng dầu có đến 11 lần điều chỉnh nhưng hãng cũng rất hạn chế điều
chỉnh giá cước taxi.
Còn
ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cũng dự báo
sau lễ khó có khả năng các doanh nghiệp vận tải tăng giá. Nguyên nhân là
do thị trường vận tải ở TP.HCM
đang có sự canh tranh mạnh mẽ, các doanh nghiệp đều phải dè chừng nhau,
không dám tăng giá tùy tiện vì sợ mất khách. Trước thường có chuyện giá
cước tăng theo giá xăng, khi xăng giảm thì giá vẫn giữ nguyên. Nay nhiều
lúc xăng dầu biến động nhẹ thì doanh nghiệp không dám tăng giá mà khi
giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp chủ động giảm giá để tăng sức cạnh
tranh.
Trong
khi giá cước vận tải hành khách giữ giá, rất ít hãng tăng giá thì giá
cước vận tải hàng hóa nhiều địa phương đang biến động mạnh, đặc biệt là
tại các tỉnh triển khai mạnh việc quản lý xe quá tải như đà Nẵng, Phú
Yên, Bình Thuận… Mức tăng đợt này biến động trong mức 10% - 15%, tùy
thuộc vào điểm xuất phát. Chẳng hạn như hàng từ các tỉnh miền Bắc, Bắc
Trung Bộ về TP.HCM tăng cao; hàng từ miền Tây và các tỉnh Tây Nguyên, Nam
Trung Bộ về TP.HCM thì tăng thấp hơn.
Theo
một số doanh nghiệp vận tải thì việc kiểm soát chặt xe quá tải khiến
các chủ xe không dám chở quá tải trọng quy định khiến số hàng chở được
trên mỗi chuyến giảm mạnh, làm tăng giá cước bình quân của mỗi tấn hàng.
Ông
Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng khẳng
định là việc điều chỉnh giá xăng dầu đợt vừa qua không ảnh hưởng lớn đến
cước vận tải hàng hóa vì tỷ lệ tăng khá thấp. Giá cước tăng chủ yếu là
do hoạt động kiểm soát xe quá tải của Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy
nhiên, quan điểm của hiệp hội này là ủng hộ hoạt động kiểm soát chặt xe
quá tải. bởi việc này giúp giá cước vận tải hàng hóa trở về mặt bằng
giá thực, cạnh tranh trong ngành vận tải hàng hóa sẽ lành mạnh hơn.
Dân trí (Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.