TP.HCM: Giải quyết vướng mắc cho 61 dự án bất động sản, bao giờ ?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 14/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, trước cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã “chốt” việc giải quyết vướng mắc cho 61 dự án trước ngày 15/4. Tuy nhiên, tại nhiều dự án, hiện vẫn còn ngổn ngang chờ đợi, dù đã quá cái hẹn “tháng 4”.
Bình luận 0


“Cái hẹn tháng 4” của lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp địa ốc có là… mây bay - Ảnh 1.

Nguồn cung dự án bị thiếu hụt do nhiều dự án bất động sản bị ách tắc (Ảnh: IT)

Quá "hẹn tháng 4" khó khăn vẫn còn đó

Trong buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp bất động sản hồi cuối tháng 2 (ngày 27/2), Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phân công phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình làm việc với các sở, ngành liên quan và Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), để giải quyết cụ thể từng nội dung kiến nghị. Báo cáo Thường trực UBND TP.HCM xem xét giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền...

Riêng các nội dung ngoài thẩm quyền, UBND TP.HCM sẽ báo cáo xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, giao Sở KH&ĐT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc quan tâm nội dung vướng mắc về chỉ tiêu quy mô dân số, trong quá trình tham mưu về quy hoạch kinh tế - xã hội của thành phố.

Đối với vướng mắc tại 61 dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị thành phố và các sở, ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết trước ngày 15/4/2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (giữa tháng 5/2021), khi được hỏi về tiến độ giải quyết vướng mắc, một số doanh nghiệp cho biết, việc tháo gỡ khó khăn vẫn "chưa đi đến đâu", lo quá trình này sẽ tiếp tục kéo dài.

Theo chia sẻ của đại diện LDG, hiện những vướng mắc của doanh nghiệp này vẫn chưa thấy có gì tiến triển. Đây là doanh nghiệp đã "kêu cứu" hơn 3 năm nay.

Cụ thể, dù không vướng đất công xen kẹt, không dính đến kiện tụng,… nhưng hai dự án gồm Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên thương mại High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại đường An Dương Vương (West Intela) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Nam Sài Gòn (thành viên của Tập đoàn đầu tư LDG - LDG Group) vẫn "đứng hình" hơn ba năm nay. Lý do, doanh nghiệp vẫn chưa được xác định giá trị tiền sử dụng đất để được nộp tiền.

“Cái hẹn tháng 4” của lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp địa ốc có là… mây bay - Ảnh 3.

Mỗi dự án được tung ra thị trường đều thu hút sự quan tâm rất lớn của người mua nhà... (Ảnh: Quốc Hải)

Cũng gặp vướng mắc với các thủ tục pháp lý, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land, các vướng mắc vẫn chưa được gỡ. Hiện Đại Phúc Land vẫn đang làm theo các thủ tục mà các sở, ban, ngành hướng dẫn.

"TP đang trong quá trình họp các sở, ban ngành để thống nhất ý kiến. Tất cả thì vẫn chưa nhưng mà động thái thì cũng có xúc tiến rồi nhưng vẫn đang trong quá trình thực hiện. Chúng tôi cũng mong các thủ tục này được hoàn tất sớm để nhà đầu tư có thể đưa vào triển khai, vì việc này cũng khá lâu rồi" - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, năm nay kỳ vọng các thủ tục sẽ được đẩy nhanh tiến độ, khác với năm trước, nếu không câu chuyện cũ vẫn lặp lại và vì thế rất là khó cho doanh nghiệp.

Kỳ vọng rồi… thất vọng

Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc LDG Group - cho biết: Cả hai dự án đang "vướng" đều được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018. Trên cơ sở những pháp lý đó, chủ đầu tư đã tổ chức thi công phần ngầm và được thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình từ tháng 5/2019.

Theo quy định, sau khi hoàn thành phần ngầm, chủ đầu tư xin phép để xây dựng tiếp phần trên. Đồng thời, Sở TN-MT thực hiện các thủ tục để Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đánh giá, tính giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.

"Chúng tôi đã có hàng chục văn bản gửi UBND TP, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và một số cơ quan ban ngành để cầu cứu. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chỉ biết chờ đợi" - ông Khang nói.

Được biết, sau khi chi gần 100 tỷ đồng để xây dựng móng, hầm; hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi hơn 1 tỷ đồng để bảo trì phần ngầm, duy trì các máy móc, thiết bị và nhân công quản lý tại công trường. Ba năm qua, dự án không hoạt động, doanh nghiệp này có nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng chi phí và đối mặt với khả năng lỗ khi triển khai dự án.

“Cái hẹn tháng 4” của lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp địa ốc có là… mây bay - Ảnh 4.

Nếu sớm gỡ được vướng mắc, nguồn cung căn hộ chắc chắn sẽ tăng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường

Trong khi đó, liên quan đến câu chuyện "đất công xen cài", theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM, kể từ khi Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư 2020,… chính thức được áp dụng, doanh nghiệp đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xúc tiến những thủ tục cần thiết để hoàn thiện pháp lý, đưa các dự án hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, câu trả lời mà doanh nghiệp này nhận được từ Sở TN&MT TP.HCM; đó là không phải toàn bộ các dự án đang bị ách tắc vì vướng đất công hiện nay đều đáp ứng được các tiêu chí do Nghị định 148 đề ra, để được giao. Và quan trọng hơn, là các sở, ban, ngành của TP cũng đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể…

Câu hỏi được đặt ra là liệu có tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; hay sự thiếu thống nhất trong cách giải quyết giữa các sở, ngành, khiến việc giải quyết vướng mắc vẫn ở trong vòng luẩn quẩn ?

Tại buổi họp triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 do UBND TP.HCM tổ chức chiều 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để thành phố thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng trên địa bàn để từ đó khơi thông cho nhiều dự án ách tắc kéo dài.

"Cần rút ngắn con đường giữa lời nói và việc làm. Nếu tiếp tục để doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, phiền hà thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, cần thiết cắt thi đua", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem